Chiều ngày 05/5/2021, tại hội trường Bảo tàng tỉnh Sơn La, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị "Báo cáo kết quả thám sát và khai quật di tích Mái đá bản Mòn, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La”. Tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh, PGS. TS. Nguyễn Khắc Sử (Hội Khảo cổ học Việt Nam), TS. Lê Hải Đăng, Th.S Nguyễn Anh Tuấn (Viện Khảo cổ học), Th.S Ngô Thị Hải Yến (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La). Đến dự hội nghị này, về phía Trường Đại học Tây Bắc, có sự tham dự của một số cán bộ giảng viên, sinh viên bộ môn Lịch sử - Khoa Khoa học xã hội và đồng chí Lường Hoài Thanh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc.

Tại hội nghị, TS. Lê Hải Đăng (Chủ trì khai quật) và PGS. TS. Nguyễn Khắc Sử đã trình bày chi tiết quá trình khai quật và các kết quả đã đạt được cũng như kế hoạch nghiên cứu tiếp theo với di tích này.

Di chỉ khảo cổ học Mái đá Bản Mòn cách thành phố Sơn La 23,5 km về phía Tây Bắc, chu vi chân núi Bản Mòn dài trên 200m, nằm ở tọa độ 21025’31” vĩ Bắc và 103042’27” kinh Đông, thuộc xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Khắp rìa xung quanh núi đá bản Mòn là những hang rộng do nước khoét lõm sâu kiểu hàm ếch, tạo thành 6 mái đá ở các mặt khác nhau. Dấu tích khảo cổ còn hiện rõ nhất ở mái đá phía Tây và phía Đông của núi bản Mòn.

Về lịch sử phát hiện và nghiên cứu, di chỉ mái đá bản Mòn được nữ khảo cổ người Pháp M. Colani điều tra và khai quật lần đầu tiên vào năm 1927, sau đó một số nhà nghiên cứu đã đến khảo sát di chỉ này như cuộc khảo sát của giáo sư P.I. Boriskovski và các cán bộ trường Đại học Tổng hợp năm 1962, cuộc khảo sát của Viện Khảo cổ học năm 1969, cuộc khảo sát của PGS. TS Nguyễn Khắc Sử liên tiếp vào những năm 1992, 1997, 2015 và 2020. Tuy nhiên, trong những lần khảo sát này chỉ dừng lại ở việc thu lượm hiện vật trên bề mặt chứ chưa có cuộc khai quật và thám sát nào. Có thể nói, cuộc khai quật Mái đá Bản Mòn (tiến hành từ ngày 21 tháng 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 2021) là cuộc khai quật thứ hai, sau 94 năm khai quật của M. Colani.

Kết quả, cuộc khai quật năm 2021 đã khai quật các lớp văn hóa trong lớp đất sét vôi và lớp dăm kết đá vôi ở mái đá phía tây và phía đông và thu được trên 1000 hiện vật đá, gần 2000 mảnh gốm, trong đó có nhiều di vật đặc trưng cho các giai đoạn văn hóa sớm (từ 10.000-5000 năm) cho đến giai đoạn muộn (từ 4000-3000 năm), khi đồ gốm, đồ đá phát triển đến đỉnh cao với công xưởng chế tác rìu đá mài toàn thân. Từ đây, đoàn khai quật khẳng định Mái đá bản Mòn là một di tích kép: di sản địa chất và di sản văn hóa tiền sơ sử liên tục. Một khối lượng lớn hiện vật được xem như là nguồn sử liệu quan trọng góp phần nghiên cứu tiền sử, biên soạn địa chí địa phương cũng như nghiên cứu văn hóa tiền sử vùng Tây Bắc.

Trao đổi tại di tích, các giảng viên, sinh viên bộ môn Lịch sử - Khoa Khoa học xã hội, Trung tâm nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc và các cơ quan quản lý văn hóa đều rất quan tâm đến kết quả của cuộc khai quật khảo cổ và khẳng định đây là di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng trong ngành khảo cổ học Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng. Mái đá bản Mòn là di sản địa chất và khảo cổ có giá trị lịch sử, văn hóa hấp dẫn, độc đáo, là tài nguyên du lịch quý giá của Sơn La trong giai đoạn mở cửa, hội nhập và liên kết vùng.

Với giá trị nổi bật của di tích, đoàn khai quật khuyến nghị với UBND tỉnh Sơn La cho phép xây dựng hồ sơ xếp hạng di sản cấp quốc gia, tiếp tục cho khai quật di tích để làm rõ phạm vi di sản, kiên quyết xử lí việc xâm hại, lấn chiếm di tích, đồng thời cho điều tra, thăm dò, khai quật một số hang động xung quanh ở huyện Thuận Châu, trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch phát triển du lịch văn hóa khảo cổ hang động gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội bền vững ở Sơn La.

 

Cán bộ giảng viên Bộ môn Lịch sử, Khoa KHXH và Trung tâm NCVH các dân tộc Tây Bắc tham dự hội nghị

 

Cán bộ giảng viên, sinh viên Khoa Khoa học xã hội cùng PGS. TS. Nguyễn Khắc Sử và cán bộ Viện Khảo cổ học 

Một số hình ảnh hiện vật khảo cổ thu được 

Một số hình ảnh hiện vật khảo cổ thu được

 Số lượng hiện vật khảo cổ thu được

 

Một số hình ảnh hiện vật khảo cổ thu được

 

Đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị

 

TS. Lê Hải Đăng (Viện Khảo cổ học) chủ trì khai quật báo cáo kết quả

 

Một số hiện vật tiêu biểu được khai quật tại di chỉ Mái đá Bản Mòn

Share for UTB