Thực hiện Kế hoạch số 47-KH/BTGTU năm 2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La về việc Tuyên truyền việc thực hiện không săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; nhằm góp thêm tiếng nói, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân tham gia giúp đẩy lùi nguy cơ săn bắt, buôn bán; đẩy lùi nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật quý hiếm trên địa bản tỉnh Sơn La, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung; qua nhiều năm nghiên cứu thực tiễn, được các cơ sở nghiên cứu cũng như các nhà khoa học uy tín về sinh học đánh giá, chúng tôi đã đúc rút và đưa ra một số nhận định về thực trạng động vật hoang dã quý hiếm tỉnh Sơn La trong những năm gần đây.

1. Rừng và động vật hoang dã quý hiếm tỉnh Sơn La

Sơn La là tỉnh miền núi cao, nơi đầu nguồn xung yếu của hệ thống Sông Đà. Trước những năm 60 của thế kỷ XX, diện tích rừng của tỉnh Sơn La rất lớn, động vật hoang dã rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, những thập niên cuối của thế kỷ XX, cùng với sự gia tăng dân số quá nhanh là hiện tượng phá rừng làm nương rẫy canh tác và khai thác lâm sản. Theo thống kê năm 2000, diện tích đất lâm nghiệp khi đó chỉ còn 331.120 ha, trong đó rừng tự nhiên còn 301.083 ha, rừng trồng 30.083 ha, diện tích khoanh nuôi tái sinh không đáng kể, độ che phủ của rừng đạt rất thấp chỉ còn 23.56% (kể cả rừng trồng), so với cả nước là 36.43%.

Hiện nay, hệ thống rừng nguyên sinh cần phải được quan tâm gìn giữ, nhưng hầu hết đã bị khai thác ít nhiều. Cả tỉnh chỉ còn 4 khu rừng đặc dụng: Xuân Nha 27.084 ha, Sốp Cộp 18.709 ha, Copia 19.354 ha và Tà Xùa 17.650 ha còn được bảo tồn. Ngoài rừng nguyên sinh, những cánh rừng khác không được bảo vệ. Không có nơi sinh tồn và bị săn bắt quá mức, các quần thể động vật hoang dã bị suy thoái nghiêm trọng.

Qua các đợt nghiên cứu thực địa tại tỉnh Sơn La, các giảng viên Bộ môn Sinh học, khoa KHTN-CN, khoa Nông-Lâm và các nhà nghiên cứu động vật thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học tại Việt Nam đã đánh giá được cơ bản tình trạng của nhiều loài và phân loài động vật hoang dã thuộc một số lớp động vật có giá trị kinh tế cao như Lưỡng cư, Bò sát và Thú.

Căn cứ trên Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 10/03/2019 của Chính phủ, Sách đỏ Việt Nam năm 2007, Danh lục đỏ IUCN năm 2021, các loài động vật hoang dã thuộc một số lớp động vật có nguy cơ bị đe dọa cần được bảo vệ ở Sơn La như sau:

1.1. Lớp Lưỡng cư (Amphibia)

- Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP: Cấp IIB (Hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại) : trong tổng số 72 loài và phân loài phân bố ở tỉnh Sơn La có 3 loài.

- Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007: ở mức EN (nguy cấp) có 4 loài, mức CR (rất nguy cấp) có 1 loài.

- Theo Danh lục đỏ IUCN năm 2021: ở mức EN (nguy cấp) : 3 loài, mức VU (sẽ nguy cấp) có 4 loài, mức NT (gần nguy cấp) có 2 loài.

1.2. Lớp Bò sát (Reptilia)

- Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP:

Cấp IB (Nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại) : trong tổng số 85 loài và phân loài phân bố ở tỉnh Sơn La có 3 loài và phân loài.

Cấp IIB (Hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại) : trong tổng số 85 loài và phân loài phân bố ở tỉnh Sơn La có 12 loài và phân loài.

- Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007: Tổng số có 14 loài quý hiếm.

Ở mức EN (nguy cấp) có 5 loài, mức VU (sẽ nguy cấp) có 7 loài, mức CR (rất nguy cấp) có 2 loài.

- Theo Danh lục đỏ IUCN năm 2021: ở mức CR (rất nguy cấp) có 3 loài, mức EN (nguy cấp) có 8 loài, mức VU (sẽ nguy cấp) có 6 loài.

1.3. Lớp Thú (Mammalia)

- Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP:

Cấp IB (Nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại): có tổng số 20 loài, gồm 12 loài thuộc bộ Carnivora, 2 loài Artiodactyla, 5 loài Primates và 1 loài Proboscidea.

Cấp IIB (Hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại): có tổng số 15 loài, gồm 1 loài Pholidota, 3 loài Rodentia, 7 loài Carnivora, 4 loài Primates.

- Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007: Tổng số có 33 loài quý hiếm, trong đó:

Ở mức E (đang nguy cấp): có 9 loài (1 loài Rodentia, 7 loài Carnivora, 1 loài Primates).

Ở mức V (sẽ nguy cấp): có 15 loài (1 loài Pholidota, 5 loài Carnivora, 1 loài Artiodactyla, 7 loài Primates, 1 loài Proboscidea).

Ở mức R (hiếm): có 9 loài (4 loài Chiroptera, 3 Rodentia, 2 loài Carnivora).

- Theo Danh lục đỏ IUCN năm 2021

Ở mức En (đang nguy cấp): có 3 loài (2 loài Carnivora, 1 loài Proboscidea).

Ở mức VU (sẽ nguy cấp): có 9 loài (1 loài Chiroptera, 5 loài Carnivora, 3 loài Primates).

Ở mức LR/nt (gần nguy cấp): có 2 loài Chiroptera.

Ở mức LR/lc (ít lo ngại): có 61 loài và phân loài (18 loài Chiroptera, 20 loài Rodentia, 10 loài Carnivora, 4 loài và phân loài Artiodactyla, 1 loài Scandentia, 3 loài Primates).

Ở mức NT (gần nguy cấp): có 1 loài Carnivora

Ở mức DD (thiếu dẫn liệu đánh giá): có 2 loài (1 loài Carnivora, 1 loài Primates).

Như vậy, nhìn chung, khu hệ động vật hoang dã tỉnh Sơn La đã bị suy thoái nghiêm trọng và rất đáng lo ngại, số lượng các loài quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa khá cao. Vì vậy, cần phải có những biện pháp tích cực hơn để bảo vệ và khôi phục chúng kịp thời.

2. Tình hình khai thác, sử dụng và buôn bán động vật hoang dã ở Sơn La

Nửa đầu của thế kỷ XX trở về trước, động vật hoang dã sinh sống trong rừng ở Sơn La rất đa dạng và phong phú cả về trữ lượng cũng như thành phần loài. Tuy nhiên, nửa sau của thế kỷ XX, số lượng đã bị giảm sút nghiêm trọng. Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 10/03/2019 của Chính phủ, Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới đã thống kê cho thấy nhiều loài Lưỡng cư, Bò sát, Thú trước đây rất phổ biến, đến nay đã bị tiêu diệt hoặc đang có nguy cơ bị tiêu diệt.

Nguyên nhân của tình trạng giảm sút trữ lượng cũng như thành phần loài động vật hoang dã ở Sơn La chính là sự gia tăng dân số nhanh chóng, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, tình trạng săn bắn quá mức, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý, … Đặc biệt, từ khi động vật hoang dã trở thành hàng hóa được buôn bán trong nước và buôn bán ra nước ngoài với lợi nhuận cao thì tình trạng kiệt quệ động vật hoang dã diễn ra nhanh chóng hơn, nhiều loài đã hoàn toàn tuyệt chủng ở nhiều địa phương trong Tỉnh.

Sơn La là tỉnh có 12 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, phong tục tập quán không giống nhau, trình độ nhận thức không đồng đều. Đáng chú ý là, hầu hết các dân tộc còn giữ phương thức canh tác phá rừng làm nương rẫy. Một số dân tộc như Mông, Dao, Sinh Mun, Khơ Mú sinh sống trên núi cao mặc dù không còn du cư nhưng vẫn giữ tập quán du canh, vì vậy, thành phần và trữ lượng động vật hoang dã vẫn luôn trong nguy cơ bị giảm sút nghiêm trọng.

Bên cạnh việc phá rừng làm nương rẫy, việc săn bắt động vật hoang dã để giải quyết nguồn đạm trước mắt cũng là nguyên nhân gây suy giảm động vật hoang dã. Cho đến nay, có thể khẳng định việc săn bắt và buôn bán động vật hoang dã ở Sơn La vẫn chủ yếu mang tính tự phát, không phải chuyên nghiệp, không có các phường hội, các đường dây buôn bán như nhiều nơi khác, động vật hoang dã săn bắt được chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương. Người dân Sơn La cũng như nhiều nơi khác sử dụng nhiều phương tiện để bẫy bắt như: bẫy đá, bẫy lồng, bẫy kẹp, bẫy treo hoặc dùng súng tự chế săn bắn các loài thú lớn như hoẵng, lợn rừng, cầy… Thêm vào đó, một số tộc người như Mông, Dao… còn coi việc săn bắt động vật hoang dã là nghề truyền thống đem lại giá trị kinh tế, là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần. Hình ảnh các chàng trai Mông, Dao, Thái với cây súng kíp hoặc nỏ trên vai đi nương rẫy, đi hội vẫn còn được coi là biểu tượng sức mạnh nam giới. Việc thay đổi nhận thức và quan niệm của cả tộc người về vấn đề này cần rất nhiều thời gian.

3. Công tác bảo vệ động vật hoang dã ở Sơn La

Ngay từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, việc bảo vệ nguồn lợi động, thực vật rừng nói chung, động vật hoang dã nói riêng đã được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trực tiếp quản lý quan tâm.

Nhà nước có văn bản chính thức ngăn cấm việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã như Chỉ thị 18/CP, Nghị định 48 /NĐ-CP, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ… Hệ thống kiểm lâm nhân dân, chính quyền và các ngành chức năng tại địa phương đã tích cực chỉ đạo, thực hiện việc bảo vệ động vật hoang dã bằng nhiều biện pháp như: tuyên truyền giáo dục thông qua hệ thống trường học, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức để bảo vệ môi trường thiên nhiên, động vật hoang dã, kết hợp với các biện pháp răn đe, xử phạt đúng người, đúng tội việc vi phạm quy định về bảo vệ đông vật hoang dã, …

Từ năm 2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La căn cứ trên Nghị định 48/NĐ-CP về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đề xuất và thực hiện rất kiên quyết việc thu hồi các loại vũ khí. Chỉ thị 29/CTUB của Ủy ban Tỉnh còn quy định rõ việc thu hồi các loại súng săn, súng tự chế trong dân. Việc tích cực triển khai đã và đang đạt kết quả rất khả quan. Hiện nay, việc dùng súng săn động vật hoang dã ở tỉnh Sơn La về cơ bản đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên, việc săn bắt động vật hoang dã vẫn còn đang tiếp diễn, bởi vẫn còn phổ biến trong dân nhiều loại bẫy có hiệu quả khá cao, do người dân vùng sâu còn nghèo, chăn nuôi kém hiệu quả, thiếu nguồn đạm thường xuyên. Hơn nữa, một số loài động vật hoang dã gây hại lớn cho sản lượng hoa màu, sinh sản nhanh với số lượng nhiều hoặc gây dịch bệnh cũng cần khuyến khích người dân đánh bắt nhằm giảm số lượng loài đến mức cần thiết dưới sự giám sát, quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng địa phương. Vì vậy, cần có những biện pháp hợp lý, hữu hiệu để giảm thiểu việc săn bắt động vật hoang dã quá mức, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng núi cao, từ đó giúp các văn bản pháp quy trở lên có hiệu lực.

Hình ảnh một số động vật quý hiếm tại Sơn La

Rhacophorus kio (ảnh Phạm Văn Anh)

Rhacophorus feae (ảnh Phạm Văn Anh)

Ptvas korros (ảnh Phạm Văn Anh)

Bungarus fasciatus (ảnh Phạm Văn Anh)

Bungarus multicinctus (ảnh Phạm Văn Anh)

Naja atra (ảnh Phạm Văn Anh)

Báo lửa-Cuon aipinus adustus (ảnh Phạm Văn Nhã)

Mèo rừng- Prionailurus bengalensis bengalensis (ảnh Phạm Văn Nhã)

Cầy hương- Viverricula malaccensis thai (ảnh Phạm Văn Nhã)

Cầy giông- Viverra zibetha picta (ảnh Phạm Văn Nhã)

Share for UTB