Tin tức hoạt động

Ngày 27 tháng 2 năm 2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo Quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" - Ảnh: Báo Chính phủ

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Thủ đô Hà Nội và trực tuyến tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh, thành trong cả nước với sự chủ trì của đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các cấp bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo các nhà khoa học, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa trên cả nước.

Tại điểm cầu Sơn La, tham dự Hội thảo có các đồng chí trong Thường trực tỉnh ủy, đồng chí Lò Minh Hùng - Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy; đồng chí Tráng Thị Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Đinh Thị Bích Thảo - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy và các đồng chí tại các sở, ban, ngành của Tỉnh như Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, Bảo tàng tỉnh Sơn La, Trường trung cấp Nghệ thuật tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Sơn La cùng các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu như Nghệ nhân Lò Văn Lả, Nghệ sĩ nhân dân Vũ Hoài….

Về phía Trường Đại học Tây Bắc, tham dự Hội thảo có đồng chí Đoàn Đức Lân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường và đồng chí Lường Hoài Thanh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các dân tộc Tây Bắc.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương... tham dự Hội thảo - Ảnh: Báo Chính phủ

Đề cương văn hóa Việt Nam - một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa). Thời điểm và bối cảnh ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương còn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Với ý nghĩa quan trọng đó, Hội thảo đã nhận được 165 bài tham luận chia làm hai phần chính: phần thứ nhất với chủ đề “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương văn hóa Việt Nam gồm 66 bài tham luận; Phần thứ hai “Văn hóa, con người Việt Nam - nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới” gồm 99 bài tham luận với những nội dung quan trọng, phân tích vai trò, ảnh hưởng của Đề cương văn hóa trong suốt 80 năm qua cũng như sự vận dụng những giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Hội thảo giúp chúng ta nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam, từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Phải tiếp tục, xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi” và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Đối với Trường Đại học Tây Bắc, văn hóa học đường, phát triển văn hóa con người trong môi trường giáo dục càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn giành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo cụ thể, sát sao đến công tác thực hiện đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong Nhà trường. Trong đó, Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”’; đưa các nội dung của cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; Ban hành Quyết định số 23/QĐ-ĐHTB ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc về Ban hành Quy tắc ứng xử trong Trường Đại học Tây Bắc, trong đó, quy tắc ứng xử trong trường học được xác định là những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hoá thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập… của cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trong toàn trường, qua đó để góp phần thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở.

Căn cứ công văn số 542-CV/BTGTU ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La về việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Nhà trường xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết của Nhà trường nhằm định hướng chính trị, tư tưởng cho cán bộ viên chức và người học để góp phần xây dựng con người, văn hóa Sơn La nói chung và cán bộ viên chức, người học tại trường nói riêng phát triển toàn diện, nhằm tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc; lấy phát triển văn hóa, xây dựng con người làm yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội cũng như tập trung xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, phát huy tính tích cực, chủ động của người học trong ứng xử có văn hóa./.

Share for UTB