Tin tức hoạt động

Với nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển của khu vực, Trường Đại học Tây Bắc đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong trong công tác quản trị và đào tạo.

Giảng viên Trường Đại học Tây Bắc ứng dụng CNTT trong giảng dạy trực tuyến.

Tiến sỹ Đinh Thanh Tâm, Hiệu trưởng, cho biết: Xác định chuyển đổi số đại học phải bắt nguồn từ việc thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa của nhà trường trên cơ sở khai thác hiệu quả các yếu tố công nghệ và nền tảng CNTT và truyền thông. Nhà trường chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế và sự cần thiết phải chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học. Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dài hạn, quan trọng liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Xây dựng chiến lược trong việc phát triển các dịch vụ CNTT, chuyển đổi số nhằm đáp ứng không chỉ nhu cầu công việc của nhà trường mà còn cho các tổ chức và cá nhân trong cộng đồng.

Nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT và Bộ phận CNTT chuyên trách; ban hành Đề án triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, nhằm thực hiện một cách có hệ thống, đồng bộ và hiệu quả. Xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển Trường đại học Tây Bắc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là 1 trong 8 lĩnh vực công tác quan trọng của nhà trường. Chỉ đạo các đơn vị chức năng, các khoa và bộ môn tăng cường số hóa nguồn học liệu, sản xuất học liệu số không chỉ đáp ứng nhu cầu học của sinh viên mà còn hướng tới tái đào tạo, tự đào tạo trong cộng đồng.

Hiện tại, nhà trường đang vận hành hệ thống công nghệ thông tin gồm 10 máy chủ, 935 máy tính, 5 hệ thống phần mềm ứng dụng các loại được trang bị và khai thác, đảm bảo 100% các hoạt động trong nhà trường được tin học hóa. Toàn bộ hệ thống quản lý từ tuyển sinh, quản lý chương trình đào tạo, quản lý thi, quản lý quá trình học tập đều được tích hợp trên một hệ thống phần mềm quản lý chung toàn trường, giúp công tác quản lý được minh bạch, khách quan, nhanh và chính xác.

Hiện nhà trường đang sử dụng phần mềm Edusoft phục vụ quản lý đào tạo theo tín chỉ, hệ thống văn bản điều hành VNPT iOffice và hệ thống thư điện tử nội bộ được triển khai tới 100% giảng viên, cán bộ phục vụ và toàn thể người học. Hệ thống sẽ thống nhất và số hóa các quy trình hoạt động, tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông để giải quyết công việc trong toàn trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản trị nhà trường. Triển khai áp dụng các công cụ quản trị đại học thông minh, như số hóa thông tin quản lý, quản lý lịch giảng dạy, thời khóa biểu...

Thạc sỹ Nguyễn Duy Hiếu, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trưởng Bộ phận Công nghệ thông tin, chia sẻ: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đã tham mưu cho nhà trường xây dựng hệ thống học tập trực tuyến (LMS), trang bị tài khoản Zoom bản quyền cho giảng viên, tích hợp vào hệ thống LMS, đảm bảo công tác dạy học trực tuyến được thông suốt với mọi hệ đào tạo. Ngoài ra, phần mềm Zoom còn giúp nhà trường tổ chức các hội nghị, hội thảo, họp trực tuyến, công tác thi kết thúc học phần, thi tuyển sinh môn năng khiếu ngành giáo dục mầm non và giáo dục thể chất theo hình thức trực tuyến. Nhờ đó, mọi hoạt động của nhà trường vẫn đảm bảo tiến độ, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp không tổ chức được các hoạt động trực tiếp.

Đến nay, Nhà trường đã số hóa khoảng 25% tài liệu nội sinh, 100% giảng viên đã thực hiện số hóa tài liệu và dạy học trực tuyến. Đặc biệt, các khoa và các bộ môn cũng đã chủ động tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về dạy học trực tuyến trong các đơn vị một cách hiệu quả, thiết thực. Trước đó, vào năm 2016, Trường Đại học Tây Bắc đã số hóa gần 4.000 đầu sách trong thư viện điện tử,  đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên và sinh viên.

Thời gian tới, Trường Đại học Tây Bắc tiếp tục tập trung nguồn lực, tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác, trọng tâm là giáo dục, đào tạo, chỉ đạo, điều hành với công nghệ số. Triển khai và hoàn thiện các nội dung chuyển đổi số, như phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình... đáp ứng yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

Theo Báo Sơn La

Share for UTB