Cựu sinh viên

Giữa những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên phải hẹn đi hẹn lại chúng tôi mới có thể gặp thầy giáo Lê Văn Cường trong căn hộ tập thể ở phường Nguyễn Phúc, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Không bắt tay vồn vã nhưng vốn là người dễ gần nên cuộc trò chuyện giữa chúng tôi mỗi lúc càng trở nên thân thiện, cởi mở.

Trong câu chuyện, thầy Lê Văn Cường tỏ bày niềm vinh dự, tự hào khi sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng trên quê hương Điện Biên lịch sử. Cha của anh Cường từng tham gia 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... Chính vì thế mà ngay từ nhỏ, nhất là khi cắp sách đến trường, môn học Lịch sử đã trở thành niềm đam mê và sở trường của Lê Văn Cường. Trong những năm học phổ thông, hầu hết các bài kiểm tra môn Lịch sử, Lê Văn Cường đều đạt điểm giỏi và thường xuyên góp mặt trong đội tuyển của nhà trường dự thi học sinh giỏi môn Lịch sử các cấp.

Tốt nghiệp THPT, bạn bè khuyên nhau thi vào các trường có chuyên ngành kinh tế-tài chính để sau này “hái ra tiền”, riêng Lê Văn Cường lại chọn cho mình hướng đi đã định sẵn trong tâm nguyện. Anh dự thi và trúng tuyển vào Khoa Sử-Địa Trường Đại học Tây Bắc. Tốt nghiệp, Lê Văn Cường về nhận công tác tại Trường THPT Cảm Ân (Yên Bình, Yên Bái). Lê Văn Cường tâm sự: “Được đứng trên bục giảng và truyền dạy kiến thức cho các em học sinh, đó là điều mơ ước và niềm hạnh phúc đối với tôi...”.

Là giáo viên dạy sử và luôn đau đáu với môn học này nên Lê Văn Cường rất trăn trở trước thực tế học sinh lơ là với các môn học có liên quan đến lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc. Lỗi này không hẳn là của các em học sinh mà ở đây có trách nhiệm của xã hội, trực tiếp là nhà trường, thầy cô giáo.

Người thầy dạy sử và những cuốn sách kỷ lục Việt Nam

Thầy giáo Lê Văn Cường giới thiệu với học sinh Trường THPT Cảm Ân (Yên Bình, Yên Bái) về cuốn sách “Việt Nam theo dấu sử ca”. Ảnh: NGUYỄN TIẾN 

Từ thực trạng ấy, thầy giáo Lê Văn Cường cho rằng việc mềm hóa kiến thức để môn Lịch sử trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ đi vào lòng người là điều mà giáo viên cần suy nghĩ, trăn trở. Học sinh có yêu thích thì mới say mê, đào sâu suy nghĩ học tập, chất lượng dạy và học mới được nâng lên. Với mong muốn đổi mới phương pháp tiếp cận và dạy học nhằm giúp học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử, Lê Văn Cường đã dày công viết cuốn thơ lục bát “Việt Nam theo dấu sử ca” với dung lượng 36.888 câu thơ về lịch sử truyền thống dân tộc. Cuốn sách đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục vào dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2018).Bên cạnh cái nhìn thiên lệch, chưa coi trọng những môn học đề cao tính nhân văn, còn là do phương pháp dạy học môn Lịch sử chưa đổi mới. Theo thầy Lê Văn Cường, việc giáo dục lịch sử, truyền thống cho học sinh, sinh viên hiện nay khiên cưỡng, khô khan, ôm đồm sự kiện theo lối kinh viện; chưa hướng tới cảm xúc, hứng thú của người học. Do vậy, nhiều học sinh có tâm lý chán, ngại học môn Lịch sử.

Tìm hiểu được biết, trước khi cuốn “Việt Nam theo dấu sử ca” ra đời, Lê Văn Cường đã cho ra mắt tập thơ lục bát “Đại cương thế giới sử thi” khái quát lịch sử thế giới với 3.456 câu thơ và cũng được công nhận Kỷ lục Việt Nam năm 2016. Cho đến nay, Lê Văn Cường đã xuất bản 7 đầu sách và đều để lại ấn tượng tốt đối với bạn đọc, trong đó có cuốn truyện thơ lịch sử “Ngang trời mây đỏ thiên thơ” dài 10.398 câu thơ lục bát và cuốn “Yên Bái ghi dấu sử thiên” dài 9.037 câu thơ, ghi lại lịch sử tỉnh Yên Bái bằng thơ...

Không chỉ vậy, Lê Văn Cường còn có nhiệm kỳ 5 năm (2013-2018) là Bí thư Đoàn trường năng nổ, hoạt bát và tâm huyết với phong trào. Dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2016), Lê Văn Cường được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây không chỉ là sự ghi nhận của tổ chức đảng đối với quá trình nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu của Lê Văn Cường mà còn là niềm vinh dự lớn đối với anh.

Từ đây, Lê Văn Cường như được tiếp thêm động lực, dù đứng trên bục giảng hay hòa mình vào các hoạt động bề nổi của nhà trường, của địa phương... anh luôn cố gắng làm việc hết mình bằng tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cao nhất. Bởi người thầy giáo-đảng viên trẻ Lê Văn Cường luôn suy nghĩ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Hiện nay, thầy Cường là Tổ phó Tổ chuyên môn Văn-Sử-Địa của nhà trường. Dù ở cương vị nào, nhiệm vụ gì, thầy Lê Văn Cường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái và dư luận xã hội trên địa bàn đánh giá bộ sách của thầy giáo Lê Văn Cường đã giúp lịch sử dân tộc, truyền thống quê hương gần hơn với cuộc sống đời thường. Nói về cuốn “Việt Nam theo dấu sử ca” và những cuốn sách của thầy giáo Lê Văn Cường, đồng chí Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, cho rằng: “Đây thực sự là bộ tài liệu tham khảo, học tập môn Lịch sử rất hữu ích đối với cả giáo viên và học sinh ngành giáo dục và đào tạo địa phương”.

Sau khi đọc cuốn “Việt Nam theo dấu sử ca”, em Trần Đức Phước, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Cảm Ân, chia sẻ: “Qua cuốn sách, kiến thức, sự kiện lịch sử được mềm hóa kết hợp với nghệ thuật tinh tế của thơ ca, nhất lại là thể thơ lục bát nên rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Đọc những cuốn sách của thầy Cường cho em cảm nhận môn Lịch sử vừa thú vị, vừa hấp dẫn". Còn em Nguyễn Văn Đạt, lớp 12A1, học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử năm học 2021-2022, cho biết: “Các cuốn sách của thầy Cường thêm thôi thúc tinh thần học tập của em, giúp cho tình yêu với môn Lịch sử của em thêm mãnh liệt hơn. Nhiều sự kiện, biến cố lịch sử được em ghi nhớ và vận dụng vào thực tế bài làm của mình tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Yên Bái vừa rồi. Cuốn sách của thầy Cường đã góp phần không nhỏ vào thành công của em trong kỳ thi”.

Theo thầy Lê Văn Cường, đã qua lâu rồi thời học sinh tiếp nhận bài giảng thụ động theo kiểu thầy đọc, trò ghi. Người thầy trong bối cảnh hiện nay phải thường xuyên cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, làm sao để học sinh chủ động trong tiếp nhận, thu nạp kiến thức. Người thầy chủ yếu định hướng, gợi mở cho học sinh đào sâu suy nghĩ, kích thích tính sáng tạo của người học. Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao tâm huyết và ý thức đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử; trân trọng những đóng góp, những sáng kiến của thầy giáo Lê Văn Cường cho các em học sinh nhà trường, cho nền giáo dục tỉnh nhà và sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Giờ đây các em học sinh cảm thấy thú vị, đam mê hơn khi được tiếp cận và học tập lịch sử theo một cách thức mới lạ, độc đáo; càng tự hào hơn khi cuốn sách được viết bởi chính người thầy dạy học trực tiếp của mình. Các đồng nghiệp bày tỏ sự trân quý những tác phẩm mà thầy Lê Văn Cường xuất bản, vì họ có thêm nguồn tài liệu hữu ích áp dụng vào dạy học rất hiệu quả. Đồng thời các tác phẩm ấy cũng góp phần giúp các em học sinh hứng thú, yêu thích môn Lịch sử hơn. Chính tinh thần, thái độ học tập của học sinh đã tiếp thêm động lực để các thầy cô thêm tâm huyết, yêu nghề và sáng tạo hơn.

Cùng với các hoạt động chuyên môn và viết sách phục vụ giảng dạy, thầy giáo Lê Văn Cường còn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào, hội thao, hội thi và đã đoạt giải ba giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2016-2017. Năm 2017 và 2018, thầy Lê Văn Cường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen là tấm gương tiêu biểu, điển hình trong phong trào thi đua yêu nước. Không chỉ giỏi về năng lực chuyên môn; hoạt bát, năng động trong hoạt động phong trào, hết lòng tận tụy vì công việc mà thầy Lê Văn Cường còn sống giản dị, chân thành, hòa đồng với tập thể và được cha mẹ học sinh tin tưởng. Liên tục từ năm 2011 đến 2021, thầy Lê Văn Cường được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Khi chúng tôi kết thúc bài viết này thì nhận được tin Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức xác nhận Kỷ lục Việt Nam 2022 “Người viết truyện thơ về lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái bằng nhiều câu thơ lục bát nhất” của thầy giáo Lê Văn Cường. Theo đánh giá của Ban tổ chức, tác phẩm truyện thơ lịch sử của thầy giáo Lê Văn Cường không chỉ có ý nghĩa với lịch sử địa phương mà còn giúp các em học sinh dễ dàng tiếp nhận và ghi nhớ lịch sử quê hương, góp phần tích cực nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử truyền thống trong thời kỳ mới. Được biết, kỷ lục này sẽ được trao tặng đến thầy Lê Văn Cường trong một ngày gần đây.

Trong xã hội, những tấm gương tận tụy, hết lòng vì công việc tập thể không thiếu. Nhưng với chúng tôi, người thầy giáo-đảng viên trẻ Lê Văn Cường thực sự là tấm gương sáng trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mong sao trong xã hội, đặc biệt trong ngành giáo dục ngày càng có nhiều hơn những con người, những thầy cô, những đảng viên như thế!

Theo Báo Quân đội Nhân dân

Share for UTB