Thực hiện Kế hoạch năm học 2022 - 2023, nhóm giảng viên Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc đã lập, xin phê duyệt và thực hiện các kế hoạch kết nối và phục vụ cộng đồng tại huyện Mai Sơn từ ngày 01 đến ngày 26 tháng 8 năm 2022.

Xuất phát từ ý tưởng hỗ trợ địa phương thực hiện 1 trong 12 chủ trương phát triển kinh tế - xã hội là “từng bước tăng diện tích rừng trồng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế ổn định cho người dân gắn với giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái”, các giảng viên Khoa Khoa học Xã hội gồm: PGS.TS Bùi Thanh Hoa; TS. Trần Thị Lan Anh; TS. Nguyễn Thị Ngọc Thúy và ThS. Lò Thị Hồng Nhung đã thực hiện kết nối với cấp uỷ, chính quyền huyện Mai Sơn. Việc xác định nhu cầu mở rộng diện tích rừng trồng của địa phương được tiến hành song song với việc tìm kiếm và kết nối các đối tác có thể đồng hành cùng địa phương trồng rừng. Câu chuyện hỗ trợ địa phương mở rộng diện tích trồng rừng đã mở rộng biên độ trở thành một câu chuyện văn hoá, hàm chứa những giá trị to lớn trong việc giúp địa phương phát triển xanh, nhanh và bền vững. Đó là khi nhóm giảng viên kết nối thành công địa phương với Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Các công việc chuẩn bị trồng “Khu rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp” trên địa bàn huyện Mai Sơn được khẩn trương tiến hành với sự tham gia đầy nhiệt huyết của tất cả các bên liên quan.

Phát huy thế mạnh chuyên môn, các giảng viên của Trường Đại học Tây Bắc tích cực cung cấp cho địa phương những tiền đề khoa học quan trọng. PGS.TS Bùi Thanh Hoa cung cấp các thông tin về tiểu sử của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt là quãng thời gian nhà văn sinh sống và làm việc tại huyện Mai Sơn từ năm 1971 đến năm 1980. TS. Trần Thị Lan Anh cung cấp các thông tin về sự nghiệp của nhà văn, các đặc điểm giá trị và nghệ thuật trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt là chùm truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát”. TS. Nguyễn Thị Ngọc Thuý thu thập tư liệu và thực hiện phỏng vấn các đồng nghiệp cũ của nhà văn hiện đang sinh sống tại Sơn La, dựng phim tư liệu về Nguyễn Huy Thiệp. Đặc biệt, ThS. Lò Thị Hồng Nhung đã trình bày báo cáo tổng quan về “Giá trị văn hoá của địa danh Hua Tát trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại”. Đây là tiền đề quan trọng cho địa phương trong việc quyết định lựa chọn địa điểm để tiến hành trồng rừng tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Quá trình hợp tác giữa địa phương với các đối tác sau đó diễn ra hết sức thuận lợi và nhanh chóng. 13 hộ dân ở Bản Hua Tát, xã Cò Nòi huyện Mai Sơn đã đồng ý tham gia dự án trồng rừng và cam kết chăm sóc rừng cây trọn đời. Ngày 26 tháng 8 năm 2022, hơn 100 người đã tham gia buổi phát động trồng 9,7ha rừng. Trong số kinh phí 242 triệu đồng Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam, có một phần nhỏ đóng góp của các giảng viên Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc.

Ảnh 1. Nhóm giảng viên Trường Đại học Tây Bắc tham gia trồng rừng cùng Vars, Hội Nhà văn Việt Nam, gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và địa phương

Buổi lễ phát động trồng rừng tưởng nhớ Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thực sự là một sự kiện văn hoá trọng đại của xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung với sự có mặt của Hội Nhà văn Việt Nam, gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, phóng viên của nhiều tờ báo lớn và các trí thức địa phương. Tại buổi lễ, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc “Thư gửi những người Hua Tát” do Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều soạn. Bức thư gây ấn tượng mạnh mẽ và cảm động, đã thắp sáng địa danh Hua Tát trong đời sống tinh thần, văn hoá Việt Nam. Hua Tát cách đây hơn 40 năm đã thổi vào tâm hồn Nguyễn Huy Thiệp “những ngọn gió” lành. Đổi lại, “nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã yêu Hua Tát với tình yêu ngập tràn thương cảm và ông đã dựng lên một vương quốc mang tên Hua Tát”.

Ảnh 2. Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam công bố “Thư gửi những người Hua Tát” của chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều.

Không chỉ có 9,7 ha các cây mắc ca, trám đen và tếch được trồng xuống, ngày 26 tháng 8 năm 2022 còn ghi dấu hành trình lan toả những dòng chữ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Trường THPT Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Bên cạnh đó, những cuốn sách đầu tiên trong dự án "Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa" của Hội nhà văn Việt Nam cũng được trao đến tay các học sinh tiểu học tại điểm trường Hua Tát. Niềm vui được nối dài trong những hạt mưa mát lành.

Ảnh 3. Đoàn trồng rừng trao tặng sách văn học cho học sinh tiểu học tại điểm trường Hua Tát.

Khu rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trọn vẹn hình hài ở bản Hua Tát. Những dòng chữ được gieo xuống trong một sáng mùa thu chắc chắn sẽ nảy nở thành những điều thiện lành trong tâm hồn những đứa trẻ Hua Tát. Quan trọng hơn, sinh kế và cuộc sống của người dân sẽ có những thay đổi tích cực. Chúng tôi lại nghĩ về việc tư vấn địa phương phát triển du lịch gắn với những trải nghiệm văn hoá dựa vào khu rừng tưởng niệm này. Đó là một hành trình kết nối mới và đầy tiềm năng.

Xem thêm các báo đưa tin về sự kiện này:

Share for UTB