Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo là thắng lợi điển hình của một nước thuộc địa giành lại độc lập. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám - Thắng lợi của tinh thần đoàn kết dân tộc Việt Nam, đúng như Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” [1]. Cách mạng Tháng Tám đã mở ra thời đại mới của lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại đất nước độc lập, đồng bào được tự do, ấm no, hạnh phúc, tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội. Có thể khẳng định, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam thành một khối vững chắc, một sức mạnh vô địch của cả dân tộc quyết đấu tranh giành độc lập, tự do là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu.

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh: Sưu tầm).

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đoàn kết dân tộc là một chiến lược cách mạng, là nguyên nhân của mọi sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”[2]. Trong cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945), khi xuất hiện tình thế cách mạng, Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định giành chính quyền là nhiệm vụ trung tâm, hàng đầu. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định dưới ách thống trị của Pháp - Nhật, quyền lợi của tất cả các giai cấp bị chiếm đoạt dã man, vận mệnh dân tộc nguy nan không lúc nào bằng. Pháp - Nhật không chỉ là kẻ thù của giai cấp công - nông mà còn là kẻ thù của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng ta khẳng định “... cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”, do vậy: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc [3].

Ngày 6-6-1941, Trong Thư Kính cáo đồng bào Hồ Chí Minh đã kêu gọi thống thiết các bậc phụ huynh, các hiền sĩ, chí sĩ, các bậc phú hào yêu nước, các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương - tất cả hãy đoàn kết lại để đánh đổ bọn đế quốc và tay sai. Người viết: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng. Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”… chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên! [4].

Trong những ngày đầu tháng 8-1945, phát xít Đức, Nhật lần lượt đầu hàng Đồng minh. Nắm bắt thời cơ cách mạng, từ ngày 13 đến 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) nhận định cơ hội cho nhân dân Việt Nam giành chính quyền độc lập đã tới, những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay trong đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc gửi Quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành chính quyền độc lập.

Để hiệu triệu toàn dân khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tới toàn thể quốc dân Việt Nam: “Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập… Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ”[5].

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam muôn người như một, nhất tề vùng lên, tạo thành ưu thế áp đảo, giáng một đòn quyết định vào các cơ quan đầu não, làm tê liệt mọi sự kháng cự của phát xít Nhật và bọn tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ ngày 14-8-1945, các đơn vị giải phóng quân đã liên tiếp hạ nhiều đồn Nhật trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái… và hỗ trợ cho quần chúng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 18-8-1945, nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Phúc Yên, Thái Bình, Thanh Hóa… đã nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lị.

Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, hàng chục vạn quần chúng sau khi dự mít tinh đã rầm rộ xuống đường biểu tình, tuần hành và mau chóng tỏa đi các hướng chiếm Phủ Khâm Sai, Tòa Thị Chính, Trại lính Bảo An, Sở Cảnh sát và các công sở khác của chính quyền bù nhìn. Trước sức chiến đấu áp đảo và mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận, quân Nhật mau chóng bị tê liệt, không giám chống cự, chính quyền nhanh chóng về tay người dân.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19-8-1945 có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của tổng khởi nghĩa trong cả nước. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân khắp nơi nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế; ngày 25-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Sức mạnh đoàn kết của toàn thể nhân dân đã làm nên chiến thắng vẻ vang, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945) cuộc Tổng khởi nghĩa đã diễn ra toàn thắng trên cả nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời. Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” [6].

Năm tháng qua đi, nhưng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bài học lớn có ý nghĩa lịch sử xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, đó là phải luôn đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước và của nhân dân lên hàng đầu nhằm phát huy sức mạnh của toàn thể dân tộc để thực hiện cách mạng. Đó là thắng lợi của sự đoàn kết anh dũng của hơn 20 triệu người Việt Nam yêu nước lúc bây giờ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân lao động làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc; kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Có thể khẳng định, ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám luôn được Đảng ta phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sẽ luôn tỏa sáng, thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục vượt qua mọi mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Tài liệu tham khảo
[1]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.256.
[2]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.455.
[3]. Văn kiện Đảng toàn tập (2000), Tập7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.113.
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.230.
[5]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.595-596.
[6]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.2.

Share for UTB