Ngày 06 tháng 08 năm 2021, tại văn phòng khoa, Chi bộ khoa Kinh tế trực thuộc Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc đã tiến hành sinh hoạt chuyên đề số 03-KH/CB: “Các nội dung về phát triển kinh tế trong nghị quyết đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh Tây Bắc và đề xuất các giải pháp công tác đào tạo, KHCN khối ngành kinh tế”. TS. Hoàng Xuân Trọng – Bí thư chi bộ, Trưởng Khoa Kinh tế đã chủ trì buổi sinh hoạt. Mục đích của buổi sinh hoạt là giúp các đảng viên trong chi bộ nắm rõ những nội dung cơ bản, cốt lõi về định hướng phát triển kinh tế trong nghị quyết đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc. Buổi sinh hoạt diễn ra rất sôi nổi, có sự tham gia đầy đủ của toàn bộ đảng viên trong Chi bộ.

 

Ảnh 1: TS. Hoàng Xuân Trọng - Bí thư chi bộ báo cáo chuyên đề 1

Mở đầu buổi sinh hoạt, đồng chí Hoàng Xuân Trọng thông qua báo cáo:“Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội của đại hội XIII”. Đồng chí đã nhấn mạnh trong mục tiêu tổng quát về việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu cụ thể đề ra đến năm 2025, khi kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trên thế giới hiện đang thịnh hành phổ biến việc phân loại các nước theo các tiêu chí: Nước phát triển; nước kém phát triển và nước đang phát triển (gồm hai nhóm nước: Nhóm nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp và nhóm nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao). Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 01/7/2020, những nước có bình quân thu nhập dưới 4.035 USD/người là thu nhập trung bình thấp, từ 4.035 USD đến 12.535 USD/người là thu nhập trung bình cao, từ 12.535 USD trở lên là thu nhập cao (khoảng 24 triệu đồng/tháng). Theo tính toán và đã được Ðại hội XIII thông qua: Ðến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD. Đồng chí nhấn mạnh rất rõ điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII là yêu cầu việc tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải được đẩy mạnh hơn, thực hiện mạnh mẽ hơn, với những giải pháp đầy đủ, đồng bộ hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đạt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế ở mức cao hơn.

Đồng chí Đoàn Thanh Hải - Phó Bí thư Chi bộ tham gia báo cáo chuyên đề “Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế của đại hội XV của tỉnh Sơn La” với 03 nội dung trọng tâm đó là: phương hướng và mục tiêu phát triển kinh tế của đại hội XV; 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025; Giải pháp phát triển kinh tế tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó 08 chỉ tiêu về kinh tế được nhấn mạnh để các đồng chí đảng viên trong chi bộ nắm rõ: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm đạt 7,5%/năm; GRDP bình quân đến năm 2025 đạt 60 triệu đồng/người/năm; Cơ cấu kinh tế năm 2025: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21%, công nghiệp - xây dựng chiếm 29,7%, dịch vụ chiếm 42,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,8%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt khoảng 120.000 tỷ đồng; Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu tăng bình quân 12,5%/năm; phấn đấu đến năm 2025, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt trên 200 triệu USD; Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 6.250 tỷ đồng; Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 18,5%; Đến năm 2025, tổng lượt khách du lịch đạt 5,2 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 5.800 tỷ đồng. Báo cáo cũng đã chỉ ra các giải pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế tỉnh Sơn La đạt được mục tiêu đã đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025: Thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực; thu hút đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo, hình thành các đô thị thông minh; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành động lực mới cho tăng trưởng.

Đồng chí Vũ Thị Sen - Chi ủy viên, Trưởng Bộ môn Kế toán đã tham luận về “Vận dụng các nội dung kinh tế trong hoạt động đào tạo, KHCN và kết nối cộng đồng trong khoa Kinh tế và ngành Kế toán”. Đối với hoạt động đào tạo, đồng chí Vũ Thị Sen đề xuất để chương trình giảng dạy gắn với thực tiễn kinh tế địa phương thì ngoài kiến thức nền tảng theo sách giáo trình và sách tham khảo cung cấp thì chương trình giảng dạy nên gắn với các tình huống thực tiễn và luôn cập nhật số liệu kinh tế địa phương tại tỉnh Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc để cả người dạy và người học luôn được cập nhật số liệu về tình hình kinh tế thực tiễn, từ đó có những phân tích, đánh giá giúp người học hiểu và ứng dụng vào thực tiễn nhằm đạt được chuẩn đầu ra của các học phần cơ sở ngành theo chương trình đào tạo đã ban hành. Đối với hoạt động NCKH và kết nối phục vụ cộng đồng, trước hết cần đưa ra mục tiêu của NCKH đối với giảng viên giảng dạy thuộc chương trình ngành Kế toán nói riêng và các ngành đào tạo nói chung là: Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp giảng viên nghiên cứu sâu về chuyên môn để kết hợp ứng dụng cả trong hoạt động giảng dạy và góp phần vào phát triển kinh tế địa phương. Trên cơ sở mục tiêu như vậy, giảng viên sẽ luôn tìm tòi, có ý tưởng nghiên cứu gắn với mục tiêu đào tạo và đồng thời gắn với định hướng nghiên cứu mà địa phương đặt ra. Đây chính là việc vận dụng đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Tham luận “Đề xuất giải pháp vận dụng các nội dung kinh tế trong hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, kết nối cộng đồng của Khoa Kinh tế và bộ môn Quản trị kinh doanh” do đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương - Phó trưởng Bộ môn Quản trị kinh doanh báo cáo đưa ra các giải pháp trong hoạt động đào tạo: Trong thời gian tới bộ môn cần tiếp tục đổi với chương trình đào tạo, hoàn thiện tự đánh giá Chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh phục vụ cho công tác đánh giá ngoài; Đổi mới kiểm tra, đánh giá người học nhằm phù hợp với thực tiễn; Tập trung nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực của người học; Nhà trường, Khoa cần xây dựng nguồn tài liệu học tập phong phú với đầy đủ các điều kiện cần có để người học có thể truy cập được hệ thống tài liệu này với việc xây dựng hệ thống giáo dục mở. Về lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa, bộ môn nên thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, tạo nên lợi thế về nghiên cứu trọng điểm, tạo tính liên kết trong nghiên cứu khoa học; Đổi mới và nâng cao chất lượng hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, tạo phong trào thi đua nghiên cứu khoa học và sự lan tỏa, trao đổi về nghiên cứu khoa học sâu rộng trong sinh viên. Về kết nối phục vụ cộng đồng đồng chí nhấn mạnh: Khoa và Bộ môn cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình và tìm kiếm các cơ hội góp ý cho các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, các hình thức tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nhất là các sản phẩm từ nông nghiệp … và các hoạt động khác tại địa phương. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đa dạng và bền vững.

Kết thúc buổi sinh hoạt, TS. Hoàng Xuân Trọng nhấn mạnh việc vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV và Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc lần thứ XXIII vào thực tiễn. Với thế mạnh riêng, mỗi đồng chí trong Chi bộ sẽ ứng dụng thiết thực và hiệu quả tinh thần Nghị quyết vào thực tiễn chuyên môn. Sau buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ đề nghị các đảng viên sẽ thảo luận, trao đổi, có những cái nhìn chung nhất, cùng nhau phát huy năng lực chuyên môn, ứng dụng thành công, đưa Nghị quyết của Đại hội đảng các cấp gắn với nhiệm vụ cá nhân vào cuộc sống, đặc biệt là những giải pháp ứng dụng về mặt kinh tế thể hiện được màu sắc của Chi bộ Khoa Kinh tế.

Một số hình ảnh buổi Sinh hoạt chuyên đề

 

 

 

 

Share for UTB