Sáng ngày 17 tháng 8 năm 2023, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khai mạc chương trình tập huấn tích hợp dạy học: “Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các trường học hai nước”. Tham dự chương trình, về phía đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo có ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La có ông Lê Tiến Quân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng toàn thể 160 giảng viên, giáo viên đến từ Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La và các giáo viên trên địa bàn Tỉnh.

Trong thành phần tham dự tập huấn, Trường Đại học Tây Bắc là trường đại học đa ngành, mỗi năm đảm nhận nhiệm vụ đào tạo cho hơn 400 lưu sinh viên Lào theo học hệ đại học, sau đại học. Năm học 2022 – 2023, Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy tiếng Việt cho 58 lưu học sinh Lào. Chính vì vậy, nội dung tập huấn có vai trò quan trọng đối với Trường Đại học Tây Bắc nói chung và Khoa Khoa học Xã hội nói riêng.

Giảng viên, cán bộ Trường Đại học Tây Bắc và các đơn vị liên quan tham gia tập huấn

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ một số vấn đề chung về tầm quan trọng của việc đưa nội dung lịch sử mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học ở Việt Nam. Đề án thể hiện việc tích hợp các nội dung nói trên giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa mới như: Lịch sử, Tiếng Việt, Hoạt động trải nghiệm… Việc tích hợp cần tránh sự khiên cưỡng mà phải gắn kết vững chắc, nhuần nhuyễn, tinh lọc từ bên trong.

GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc

Chương trình tập huấn được thực hiện trong 2 ngày, từ 17 – 18/8/2023. Thành phần tập huấn chia làm 4 lớp, ứng với các cấp học mà cá nhân người tham dự đảm nhiệm: Tiểu học - Mầm non, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Đại học - cao đẳng. Các thành viên tập huấn đều thống nhất đưa nội dung lịch sử quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào dạy học ở các cấp.

Lớp giảng viên, cán bộ tập huấn cấp Đại học - Cao đẳng

Các giảng viên Trường Đại học Tây Bắc tham gia thực hành xây dựng kế hoạch bài dạy tích hợp nội dung giáo dục lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; Lào - Việt Nam trong các môn học, hoạt động giáo dục. Lớp được chia làm 5 nhóm thực hiện 10 chủ đề của khóa học, các nhóm được lên ý tưởng, trao đổi, trình bày kết quả thực hành. Nhóm Trường Đại học Tây Bắc thực hiện chủ đề “Hoạt động trải nghiệm cho sinh viên với chủ đề: Nét tương đồng giữa văn hóa người Thái ở tỉnh Sơn La với văn hóa người Lào ở tỉnh Hủa Phăn”. Nhóm đã chuẩn bị, trao đổi, thảo luận và trình bày kết quả thực hành trước lớp. Nhóm nhận được sự góp ý, nhận xét từ các nhóm khác cũng như sự góp ý của giảng viên hướng dẫn. Báo cáo được trình bày thành công, góp phần củng cố và phát triển các nội dung về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

TS. Chu Mai Hương - giảng viên Khoa Khoa học Xã hội trình bày báo cáo

Sau 2 ngày làm việc, chương trình tập huấn đã thành công tốt đẹp. Chương trình tập huấn đã giúp các thành viên tham dự hiểu thêm về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Lào, cũng như sự vận dụng linh hoạt khi tham gia giảng dạy tích hợp nội dung giáo dục lịch sử ở hai nước.

Share for UTB