Dự án “Cải thiện các hệ thống canh tác có ngô trên đất dốc tại Việt Nam và Lào” – mã số: SMCN/2014/049 do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ được thực hiện từ năm 2018 tại khu vực Tây Bắc Việt Nam. Tại Việt Nam, dự án đã xây dựng dựa trên quan hệ đối tác chặt chẽ với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (SFRI), Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) và Trường Đại học Tây Bắc. Trường Đại học Tây Bắc đã có quan hệ chặt chẽ với Đại học Queensland (UQ) qua việc thực hiện dự án AGB2008/002 và các chương trình học bổng do UQ tài trợ cho sinh viên của Trường.

Thực hiện Quyết định số 1206/QĐ–ĐHTB về việc cử giảng viên và sinh viên tham gia thăm quan, thực hành tập huấn thực địa, ngày 19 – 20 tháng 10 năm 2021, các Lưu học sinh Lào thuộc các chuyên ngành đào tạo: Nông học, Lâm Sinh, Quản lý tài nguyên và môi trường thuộc Khoa Nông Lâm do giảng viên ThS. Nguyễn Hoàng Phương đã tham gia các hoạt động tại huyện Vân Hồ và huyện Mộc Châu tinh Sơn La. Tại mô hình chuyển đổi canh tác từ ngô sang các hệ thống canh tác theo mô hình nông-lâm kết hợp các sinh viên đã được tìm hiểu về quá trình chuyển đổi của người dân từ độc canh ngô sang các hệ thống: Lúa nương – Chè; Lúa nương – Cây ăn quả ông đới; Khoai Lang – Cỏ chăn nuôi – Cây ăn quả ôn đới. Đồng thời, Thạc sĩ Hoàng Xuân Thảo – Trưởng nhóm nghiên cứu của NOMAFSI cũng chia sẻ những khó khăn khi áp dụng mô hình trong điều kiện nông dân như: nguồn thu nhập ban đầu, an ninh lương thực giai đoạn chuyển đổi và hiệu quả kinh tế mang lại cũng như tác động của thị trường đối với người dân. Trao đổi tại thực địa các sinh viên cho biết tại Lào gia đình cũng có nương và trồng nhiều loại cây khác nhau. Tuy nhiên, do chưa nắm bắt được kỹ thuật nên chưa áp dụng trồng xen, trồng gối các loại cây trồng trên cùng diện tích.

Giảng viên, sinh viên Khoa Nông Lâm thăm quan mô hình chuyển đổi canh tác ngô

Bên cạnh hoạt động thăm quan, sinh viên Khoa Nông Lâm còn được giới thiệu và thực hành các kỹ thuật quản lý cỏ dại bằng cây họ đậu như Đậu Nho nhe, Đậu Biếc cho cây ngô bằng cách trồng xen khi cây trổ cờ (khoảng 60 – 70 ngày sau khi trồng ngô). Trao đổi về quản lý cỏ dại cho cây trồng, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Sinh (NOMAFSI) đã chia sẻ về tác hại của việc dùng thuốc trừ cỏ đối với đất, môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng cũng như sự thay đổi thành phần loài cỏ dại khi áp dụng các biện pháp trừ cỏ khác nhau.

Sinh viên khoa Nông Lâm tham gia tập huấn đồng ruộng về quản lý cỏ dại và bón phân.

Trong khuôn khổ chương trình, các sinh viên còn được hướng dẫn sử dụng công cụ mới để bón phân cho cây ăn quả nhằm tăng hiệu quả phân bón và giảm công lao động cho người dân. Công cụ mới giúp thực hiện 3 công việc là xới đất, bón phân và lấp đất chỉ với 1 thao tác đơn giản và dễ thực hiện trên đất dốc cho nhiều loại cây khác nhau. Các sinh viên đã rất hứng thú với cách làm mới khi được thực hành sử dụng công cụ này để bón phân cho cây ăn quả trong điều kiện không sử dụng thuốc trừ cỏ trên đất dốc.

Thông qua hoạt động thăm quan thực địa, thực hành kỹ thuật các sinh viên của Khoa Nông Lâm đã hiểu rõ hơn về cách thức vận hành của các hệ thống trong sản xuất nông nghiệp trên đất dốc cũng như thuận lợi và khó khăn khi triển khai các mô hình đến người dân. Mặt khác, việc được tiếp cận và thực hành sử dụng các công cụ sản xuất mới giúp các sinh viên tiếp cận nhanh hơn với thực tiễn sản xuất. Điều này sẽ giúp các em làm việc tốt hơn sau khi ra trường.

Share for UTB