Dự án “Các loài cây bản địa của Việt Nam để cải thiện sinh kế” là chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Tây Bắc (TBU) với Trường Đại học Southern Cross (SCU - Australia). TBU và SCU đã có các hoạt động hợp tác từ năm 2017 đến nay. Trong giai đoạn 2017 - 2021, hai trường đại học đã phối hợp triển khai mô hình nông lâm kết hợp tại xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Từ tháng 7/2021 - 12/2022, Trường Đại học Tây Bắc và Trường Đại học Southern Cross phối hợp triển khai Dự án “Các loài cây bản địa của Việt Nam để cải thiện sinh kế” tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La và các cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng đệm Khu Bảo tồn thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Dự án có sự tham gia của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Tây Bắc, Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường La, UBND xã Nậm Păm, UBND xã Ngọc Chiến.

Mục tiêu của Dự án là đánh giá thị trường và tiềm năng kinh tế để nông dân hợp tác sản xuất giống cây bản địa; phát triển sản xuất giống cây ăn quả và cây lấy gỗ phù hợp với nông dân; nâng cao kiến thức về lâm sinh để quản lý tài nguyên rừng bền vững là các loài gỗ đã chọn thông qua thí nghiệm. Đối tượng hưởng lợi của Dự án là người dân tại bản Ít (xã Nậm Păm) và bản Chom Khâu (xã Ngọc Chiến) của huyện Mường La và cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La. Trường Đại học Tây Bắc có 11 giảng viên và 11 sinh viên tham gia Dự án.

Trong gần 2 năm triển khai, Dự án đã đạt được những kết quả quan trọng:

- Dự án đã tiến hành khảo sát hiện trường tại Khu bảo tồn Mường La để phân loại và đối chiếu thông tin thực vật, thu thập vật liệu nhân giống. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành báo cáo sơ bộ đánh giá về đa dạng sinh học các loài cây gỗ bản địa trong Khu Bảo tồn. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn ra 39 loài cây bản địa để theo dõi vật hậu; đã đóng biển theo dõi vật hậu cho 200 cây thuộc 39 loài cây để theo dõi vật hậu; thu thập được vật liệu phục vụ nhân giống và các thí nghiệm nhằm bảo tồn các loài quý hiếm.

Ảnh 1, 2: Nhóm nghiên cứu theo dõi vật hậu, đóng biển cho cây mẹ lấy giống

- Dự án đã triển khai 02 cuộc khảo sát thực địa nhằm đánh giá thị trường cây giống theo 3 tuyến (tuyến số 1: Nặm Khắt - Tú Lệ - thị xã Nghĩa Lộ; tuyến số 2: Mường Bú - thành phố Sơn La - Mai Sơn; tuyến số 3: Ngọc Chiến - Nậm Păm - Ít Ong - Hua Trai). Nghiên cứu viên đã phỏng vấn 12 cán bộ địa phương, 31 hộ dân, người phụ trách 32 vườn ươm và các đơn vị kinh doanh. Kết quả khảo sát đã đánh giá sơ bộ được nguồn cung và chủng loại cây giống tại các vườn ươm, nhu cầu tiêu thụ các loại gỗ và các loại trái cây. Đây là căn cứ quan trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn loại cây, sản xuất cây giống phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ảnh 3: Khu vực khảo sát trên nền ảnh vệ tinh

Ảnh 4: Sinh viên phỏng vấn người dân

- Dự án đã hỗ trợ thành lập 02 nhóm vườn ươm (nhóm bản Ít và nhóm bản Chom Khâu), hướng dẫn 02 nhóm xây dựng 02 Quy chế hoạt động; xây dựng 02 vườn ươm cho 2 nhóm tại bản Ít và bản Chom Khâu; hoàn thiện 01 nhà kính với diện tích 225 m2, đầy đủ hệ thống tưới phun, hệ thống điều khiển che sáng tại trụ sở Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường La; tập huấn, đào tạo, huấn luyện cho người dân và cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường La về kỹ thuật sản xuất cây giống các loại cây ăn quả và các loài cây bản địa; đào tạo nông dân về kỹ năng kinh doanh và vận hành nhóm sản xuất; tổ chức cho nông dân và cán bộ địa phương đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các vườn ươm và cơ sở sản xuất tại huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La. Tổng số cây giống các vườn ươm sản xuất được 13.902 cây các loại.

Ảnh 5, 6: Các hộ dân thể hiện sự quyết tâm tham gia dự án

Ảnh 7, 8: Nông dân và cán bộ địa phương đi tham quan, học tập kinh nghiệm

Ảnh 9, 10: Người dân thực hành tại vườn ươm cộng đồng

Ảnh 11: Cán bộ Dự án hướng dẫn kỹ thuật cho người dân

Ảnh 12, 13: Một số loài cây bản địa được nhân giống thành công tại vườn ươm cộng đồng: Mai Anh đào, Sa mu, Giổi xanh, Vù hương, Pơ mu

Bên cạnh những hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân, Dự án cũng thực hiện 1 số hoạt động và thí nghiệm chuyên sâu về lâm sinh. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành báo cáo sơ bộ về các loài cây bản địa có giá trị về gỗ và giá trị bảo tồn; lựa chọn được 05 loài gồm: Chắp tay Bắc bộ, Pơ mu, Giổi xương, Tô hạp Vân nam, Du sam núi đất để tiến hành các thử nghiệm nhân giống; đã tiến hành các thí nghiệm theo dõi các đặc điểm sinh lý, sinh thái và thử nghiệm nảy mầm của hạt giống các loài Chắp tay Bắc bộ, Pơ mu, Giổi xương, Tô hạp Vân nam, Du sam núi đất; thiết lập thí nghiệm ảnh hưởng của ánh sáng đến sinh trưởng và phát triển của cây con gồm các công thức thí nghiệm che sáng 30%; 50%; 75%; thiết lập thí nghiệm ảnh hưởng của ánh sáng sinh trưởng của cây con đem trồng trong rừng. Một số thí nghiệm vẫn đang được theo dõi thu thập số liệu.

Ảnh 14, 15: Thiết lập thí nghiệm ảnh hưởng của che sáng tới sinh trưởng của cây con giai đoạn vườn ươm

Ảnh 16, 17: Thiết lập thí nghiệm ảnh hưởng của che sáng tới sinh trưởng của cây con trồng trong rừng

Tính đến tháng 12/2022, các nhóm nghiên cứu của Dự án đã có 01 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế về phát hiện 01 loài thực vật mới; 01 bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong nước về đa dạng thực vật làm thuốc chữa bệnh theo kiến thức bản địa của Dân tộc Thái vùng đệm Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường La; 01 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia Dự án đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc; 16 bộ số liệu và báo cáo kết quả nghiên cứu, kết quả khảo sát đã được hoàn thiện trong năm 2022. Dự kiến sẽ có ít nhất 2 bài báo khoa học quốc tế tiếp tục công bố trong năm 2023 và 01 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học trong năm 2023.

Có được những kết quả nói trên, Dự án đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ chính quyền địa phương, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La, UBND xã Nậm Păm và xã Ngọc Chiến, nông dân bản Ít và bản Chom Khâu; sự hỗ trợ từ Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Australia, Trường Đại học Southern Cross; sự phối hợp hiệu quả giữa Trường Đại học Tây Bắc, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Tây Bắc; sự tham gia tích cực, chủ động của các cán bộ Dự án, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Dự án cũng gặp phải một số khó khăn nhất định: Tình hình dịch bệnh Covid 19 giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động; giao thông đi lại khó khăn; vị trí làm vườn ươm bản Ít có độ cao lớn, nhiều sương mù và gió, ảnh hưởng nhiều đến các cây ăn quả nhiệt đới như Xoài, Nhãn; nguồn giống không có sẵn tại địa phương, đặc biệt là cành ghép, quá trình vận chuyển ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ sống của cây con; nông dân chưa có kinh nghiệm sản xuất cây giống, đặc biệt là chưa có kỹ thuật ghép, ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ sống của cành ghép.

Những kết quả đã đạt của Dự án “Các loài cây bản địa của Việt Nam để cải thiện sinh kế” là cơ sở quan trọng để Trường Đại học Tây Bắc và Trường Đại học Southern Cross có thể tiếp tục đề xuất những hoạt động hợp tác trong thời gian tới./.

Share for UTB