Sáng ngày 26/11/2022, tại khách sạn Hanoi Club Hotel, Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) đã chủ trì thành công Hội thảo khoa học chủ đề “Giới và trao quyền trong nông nghiệp: Ứng dụng các phương pháp nghiên cứu tại Việt Nam” với sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, học viên và sinh viên của các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức ở trong và ngoài nước.

Ảnh 1: Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo thuộc khuôn khổ hợp tác giữa FAVRI cùng Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) do tổ chức Nghiên cứu khoa học Hà Lan tài trợ, trong đó có nghiên cứu “Trao quyền cho phụ nữ trong hệ thống hạt giống rau nhằm cải thiện dinh dưỡng cho cộng đồng dân tộc thiểu số phía Bắc, Việt Nam”, nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu cũng như bài học kinh nghiệm, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai, lồng ghép các hoạt động về giới và trao quyền cho phụ nữ trong nông nghiệp đồng thời là cơ hội nâng cao nhận thức trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, giúp vấn đề giới trong lĩnh vực nông nghiệp thu hút được nhiều sự chú ý hơn.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đến từ các trường đại học của Hà Lan, Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam, Liên minh Đa dạng sinh học, Viện Nghiên cứu chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI), CIAT, Tổ chức CARE Việt Nam, Tổ chức Phát triển Hà Lan( SNV) và Tổ chức Oxfam Việt Nam đã chia sẻ việc ứng dụng bộ công cụ Pro-WEAI để đo lường về giới trong lĩnh vực nông nghiệp, và cách sử dụng các kết quả thu thập được. Các báo cáo trình bày tại Hội thảo có nội dung đa dạng, cập nhật các hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của bộ công cụ Pro-WEAI bao gồm:

  1. Tổng quan về Dự án “Phát triển hệ thống hạt giống rau trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại miền núi phía Bắc Việt Nam nhằm nâng cao dinh dưỡng và thu nhập”, TS. Deborah Nabuuma, Chuyên gia dinh dưỡng của Liên minh Đa dạng sinh học;
  2. Giới thiệu về Nghiên cứu thử nghiệm có nhóm đối chứng (RCTs)- Hợp phần 3, Dự án NWO, NCS Nguyễn Thị Thuý Lan, trường đại học Wageningen;
  3. Giới thiệu về giới và trao quyền trong nông nghiệp, và các khung nghiên cứu về giới trong các dự án phát triển, DR. Deborah Nabuuma, Chuyên gia dinh dưỡng của Liên minh Đa dạng sinh học;
  4. Giới thiệu về bộ công cụ đo lường giới trong lĩnh vực nông nghiệp Pro-WEAI do Berber Kramer (IFPRI) trình bày trực tuyến;
  5. Ứng dụng bộ công cụ Pro-WEAI trong dự án NWO và các kết quả ban đầu, NCS. Nguyễn Thị Thuý Lan và TS. Hoàng Thế Kỷ (Chuyên gia tư vấn- CIAT);
  6. Các cách tiếp cận chuyển đổi mối quan hệ giới với cộng đồng dân tộc thiểu số ở phía Bắc Việt Nam: Các kết quả từ khảo sát Pro-WEAI, Ngô Thị Thanh Hương, cán bộ nghiên cứu chính sách - CARE Việt Nam;
  7. Dự án WEAVE/Flow và áp dụng WEE-I của tổ chức SNV, Nguyễn Hữu Hiếu, tổ chức SNV;
  8. Trao quyền Kinh tế cho Phụ nữ, hướng dẫn của tổ chức Oxfam, Lê Thị Sâm, Cán bộ Chương trình Giới - Oxfam Việt Nam.

Chủ đề và nội dung của các báo cáo phục vụ trực tiếp cho phát triển các hướng nghiên cứu và phương thức tiếp cận trong thời gian tới. Đặc biệt, Hội thảo cũng là cơ hội để các học giả trong và ngoài nước trao đổi những thuận lợi và lưu ý trong ứng dụng bộ công cụ Pro-WEAI trong các dự án và nghiên cứu tiếp theo tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Thành công của Hội thảo đã góp phần làm phong phú và đa dạng các hoạt động trao đổi, hợp tác giữa các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.

Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:

Ảnh 2: TS. Ngô Thị Hanh, Viện Nghiên cứu Rau quả, phát biểu khai mạc

Ảnh 3: TS. Deborah Nabuuma, Liên minh Đa dạng sinh học, trình bày Tổng quan Dự án

Ảnh 4: TS. Lê Thị Sâm, Cán bộ Chương trình Giới – Oxfam Vietnam, trình bày báo cáo

Share for UTB