Ngày 6 tháng 9 năm 2020, trong khuôn khổ của đề tài NCKH cấp Bộ mã số CT.2019.06.05 “Nghiên cứu phát triển du lịch khám phá thiên nhiên tại một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên” do TS. Vũ Thị Liên làm chủ nhiệm,

Khoa Nông - Lâm và Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng Sinh học và Môi trường đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái tại một số tỉnh Tây Bắc, Việt Nam” tại Văn phòng Khoa Nông - Lâm, Trường Đại học Tây Bắc.

Chủ trì hội thảo: TS. Nguyễn Văn Dũng, Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng Sinh học và Môi trường và TS. Vũ Thị Liên - Chủ nhiệm đề tài.

Các đại biểu tham gia là các thầy, cô đến từ các Phòng, Khoa và trung tâm trong Nhà trường: PGS. TS. Phạm Văn Anh - Phó trưởng phòng KHCN - HTQT, TS. Hoàng Xuân Trọng - Trưởng khoa Kinh tế, TS. Đặng Trung Kiên - Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh, khoa Kinh tế, TS. Phạm Anh Tuân - Trưởng bộ môn Địa lý, Phó giám đốc Trung tâm Đa dạng Sinh học và Môi trường, TS. Vì Thị Xuân Thủy - Giám đốc trung tâm Thực hành - Thí nghiệm, Th.S. Đặng Văn Công, thư ký Hội đồng trường; các thành viên của Trung tâm Đa dạng Sinh học và Môi trường; giảng viên và sinh viên khoa Nông Lâm, khoa KHTN - CN; các học viên K7, 8 Cao học Sinh học thực nghiệm; các bạn sinh viên Khoa Nông - Lâm và các thành viên thực hiện đề tài.

Sau phần khai mạc tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu, các thành viên lần lượt trình bày 3 báo cáo khoa học:

Cử nhân Sùng Bả Nênh - Trung tâm Đa dạng Sinh học và Môi trường - trình bày báo cáo 1: Đề xuất các loài lưỡng cư, bò sát, côn trùng và chim có tiềm năng phát triển du lịch khám phá thiên nhiên.

TS. Vũ Thị Liên trình bày báo cáo 2: Đề xuất các loài thực vật bậc cao có tiềm năng phát triển du lịch và khám phá thiên nhiên tại các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình.

NCS. Đỗ Xuân Đức trình bày báo cáo 3: Nghiên cứu phát triển du lịch khám phá thiên nhiên tại một số khu bảo tồn thiên nhiên tại 3 tỉnh Hoà Bình, Sơn La và Điện Biên.

Các khách mời đều vui mừng trước những thành tích nổi bật mà đề tài đã đạt được, đồng thời có nhiều thảo luận và góp ý cho các báo cáo, như TS. Hoàng Xuân Trọng có nhiều phát biểu nhằm góp ý, xây dựng nhằm tạo mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch: “Khoa Kinh tế có ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, nên đến với hội thảo vừa để học hỏi cách tổ chức, vừa có định hướng xem các kết quả nghiên cứu được trình bày có thể giúp kết nối giữa các khoa với nhau hay không? Có thể mang lại giá trị vừa đảm bảo mục đích NCKH nói riêng vừa phát triển Tây Bắc nói chung”.

 TS. Trọng cũng gợi ý “để liên kết phát triển du lịch khám phá thiên nhiên hoặc liên kết cây - con cần chú ýcó 5 nhu cầu cơ bản của khách du lịch: 1. Ăn gì; 2. Ở đâu; 3. Xem gì; 4. Làm gì; 5. Mua gì”.

 

TS. Hoàng Xuân Trọng - Trưởng Khoa Kinh tế - phát biểu và đề xuất ý kiến

Bên cạnh đó TS. Vì Thị Xuân Thủy cũng cho ý kiến là nên cảnh báo sự an toàn cho du khách du lịch; TS. Phạm Anh Tuân định hướng cho nhóm tác giả nên xác định cụ thể tiềm năng và tần suất bắt gặp các đối tượng nghiên cứu; ThS. Đặng Văn Công: nhóm tác giả nên lập bản đồ phân bố của các loài, từ đó xác định được các tuyến du lịch đi đến các khu vực khác nhau, đánh dấu trên bản đồ từng khu vực cụ thể cho dễ di chuyển; ThS. Hoàng Thị Thanh Hà, cho ý kiến là những cây đề xuất đưa vào mô hình phát triển du lịch khám phá thiên nhiên cần phải phân nhóm rõ ràng (nhóm cây làm cảnh; làm thuốc; nhuộm màu; men rượu; đa năng…), chú ý đến những cây đặc hữu, sự phân bố của những loài này, khả năng nhân giống của chúng ra sao - để khách du lịch có thể mua về trồng hay không? TS. Đặng Trung Kiên cho ý kiến là nhiều loài cần có sự tham gia của cộng đồng địa phương nên nhóm nghiên cứu cần đề xuất phương pháp phù hợp, sát thực tiễn hơn…

 

TS. Phạm Anh Tuân phát biểu và đề xuất ý kiến

 

TS. Vũ Thị Liên, chủ nhiệm đề tài, báo cáo viên

 

NCS. Đỗ Xuân Đức trình bày báo cáo

 

TS. Vì Xuân Thủy, Giám đốc trung tâm Thực hành - Thí nghiệm phát biểu

Có thể thấy, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến quý báu của khách mời. Những nội dung được đưa ra thảo luận và đề xuất, định hướng rất có ích cho thực hiện đề tài và ý tưởng mới cho các bạn sinh viên như:

Đề xuất kết quả nghiên cứu của hội thảo là ý tưởng khởi nghiệp của cho các bạn sinh viên - đặc biệt là khởi nghiệp cho các bạn người dân tộc thiểu số ở Sơn La;

Mỗi điểm du lịch nên chọn 1-2 loài chủ điểm đặc trưng làm điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch;

Hướng tới thương mại trên thị trường thông qua phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương bằng các biện pháp như viết sách, tài liệu, tờ rơi hoặc sổ tay hướng dẫn du lịch với hình ảnh những loài động - thực vật đặc trưng và kết quả của đề tài để cung cấp cho khách du lịch;

Gắn du lịch sinh thái với khu bảo tồn thiên nhiên để không gây ảnh hưởng tới cảnh quan và đa dạng sinh học;

Trong các nhóm loài động - thực vật, cần chỉ ra các loài nào có nguy cơ cần bảo tồn, có khả năng bị tuyệt chủng và phải đưa ra giải pháp bảo tồn, duy trì các loài đó.

Chúng ta hy vọng rằng, mô hình hội thảo liên ngành như trên tiếp tục được nhân rộng để các cán bộ, giáo viên và sinh viên trong Trường có thêm nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác trong tương lai./.

Sơn La, ngày 21/9/2020

Share for UTB