Ngày 18/12/2020, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế phối hợp với Viện nghiên cứu châu Á của Đại học Aix-Marseille, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục Pháp – Việt cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX” – “L’éducation franco-vietnamienne fin du XIXè - début du XXè siècle". Hai ngôn ngữ: Việt, Pháp được sử dụng chính trong Hội thảo. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo 

Hội thảo tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục tái hiện, đánh giá và thảo luận một cách khách quan các khía cạnh khác nhau của giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam trong gần một thế kỷ. Hội thảo đã lựa chọn được 54 bài viết chất lượng, tập trung vào những chủ đề chính: Quá trình hình thành và phát triển của giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam qua các giai đoạn từ năm 1864 đến năm 1954; Nội dung và phương pháp dạy - học; Ngôn ngữ và văn học trong chương trình giáo dục; Giáo dục nữ giới; Các loại hình giáo dục ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong mối quan hệ với giáo dục Pháp - Việt; Đối sánh giáo dục Pháp – Việt ở Việt Nam với giáo dục ở các quốc gia Đông Nam Á thời thuộc địa; Di sản giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam. 

Trình bày báo cáo tại phiên toàn thể có các diễn giả: TS. Trần Thị Phương Hoa, Viện Sử học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; và ông Philippe Le Failler – Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội. Ngoài ra, Hội thảo còn được nghe báo cáo của các học giả từ Pháp: GS. Emmanuel Poisson, Đại học Paris; GS. Trịnh Văn Thảo, Đại học Aix-Marseille... qua phần mềm Zoom. 

Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước đến từ các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu... Tham dự Hội thảo, giảng viên Trường Đại học Tây Bắc – TS. Tống Thanh Bình trình bày báo cáo “Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc” đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Nhiều câu hỏi: đánh giá mặt tích cực, hạn chế, so sánh với các tỉnh miền núi Trung Kỳ, chuyển biến giáo dục... các tỉnh miền núi Tây Bắc, Đông Bắc thời Pháp thuộc đã được TS. Tống Thanh Bình giải đáp sau báo cáo. Sau hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học tham gia Tour du lịch tới các điểm tham quan nổi tiếng của Cố đô Huế. Hội thảo để lại dấu ấn tốt đẹp về chất lượng và sự chuyên nghiệp. 

Có thể nói, giáo dục Pháp - Việt hình thành ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX là một di sản giáo dục - văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài ở Việt Nam và một số nước lân cận. Thông qua Hội thảo, các nhà nghiên cứu có nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ Pháp - Việt Nam trong lịch sử, rút ra những yếu tố tích cực của nền giáo dục Pháp - Việt có thể vận dụng vào công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội kết nối các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong nghiên cứu cũng như tăng cường hợp tác nghiên cứu Pháp - Việt, đóng góp cho công cuộc hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam. 

Một số hình ảnh tại Hội thảo

TS. Tống Thanh Bình – Giảng viên Trường ĐH Tây Bắc trình bày báo cáo tại Hội thảo 

TS. Tống Thanh Bình – Giảng viên Trường ĐH Tây Bắc cùng các nhà nghiên cứu tại Hội thảo 

Ông Etienne Rolland-Piegue, Tham tán văn hóa và hợp tác, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

TS. Philippe Le Failler trình bày báo cáo tại Hội thảo 

Nhóm tác giả bài viết “Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc” chụp ảnh cùng TS. Trần Thị Phương Hoa. 

Share for UTB