Từ ngày 09 - 11/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tập huấn công tác xây dựng văn hóa học đường và giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Chỉ đạo và điều hành Chương trình tập huấn có TS. Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng hơn 300 cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ, nhân viên phụ trách công tác học sinh, sinh viên, công tác Đoàn, Hội, Đội tại các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục. Trường Đại học Tây Bắc có TS. Nguyễn Bá Điệp - Phó Trưởng phòng Công tác chính trị - Quản lý người học và ThS. Kiều Tiến Lương - Bí thư Đoàn trường tham dự Hội nghị tập huấn.
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đã nhấn mạnh: Giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang tính chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên cơ bản đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, nhà trường, gia đình và xã hội.
TS. Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn
Nhằm xây dựng chiến lược phát triển xã hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030. Quyết định đặt ra mục tiêu tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao. Cùng với đó, khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị tập huấn, các học viên đã được các báo cáo viên tập huấn 06 chuyên đề, cụ thể:
Chuyên đề 1: Hướng dẫn xây dựng, triển khai một số kịch bản, lễ hội, trò chơi dân gian trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong trường học.
Chuyên đề 2: Những vấn đề chung về xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, định hướng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh mới.
Chuyên đề 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong thời gian qua, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn mới.
Chuyên đề 4: Một số phương pháp tập hợp thanh niên, phản bác các luận điểm xuyên tạc trên mạng internet, các mạng xã hội.
Chuyên đề 5: Bảo vệ biên giới quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay.
Chuyên đề 6: Công tác giáo dục chính trị, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho thanh niên trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chuyên gia Vũ Trọng Hà - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng, thành viên chuyên trách Ban Chỉ đạo 35 Trung ương báo cáo tại Hội nghị
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu dự Hội nghị đã làm bài thu hoạch với chủ đề chia sẻ mô hình hiệu quả, những khó khăn, tồn tại trong công tác tại đơn vị. Từ đó, áp dụng các kiến thức, kỹ năng được tập huấn vào hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục chính trị và bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh sinh viên phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, nhà trường, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh sinh viên.
Đại biểu Trường Đại học Tây Bắc chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Vụ trưởng