Chiều ngày 19/9/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Dự Hội thảo có đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Trường Đại học Tây Bắc, một số hội thành viên của Liên hiệp Hội cùng các chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn, phản biện.
Toàn cảnh hội thảo
Luật Khoáng sản (năm 2010) là văn bản quan trọng, là tiền đề, cơ sở cho nền công nghiệp khai khoáng. Sau hơn 14 năm thi hành, Luật Khoáng sản đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp thực tiễn, khó khăn trong quá trình thực hiện ở địa phương, như: việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ nhu cầu xây dựng, công trình dự án quan trọng còn vướng mắc, nhiều trình tự, thủ tục...; chưa phân cấp địa phương cấp phép các khu vực có khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phân tán, nhỏ lẻ vùng sâu, vùng xa.... Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản 2010 và thay đổi tên gọi thành Luật Địa chất và Khoáng sản là cần thiết và phù hợp thực tế.
Đến dự hội thảo với vai trò là các chuyên gia, đoàn đại biểu Trường Đại học Tây Bắc đã có nhiều ý kiến quan trọng góp ý về nội dung dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Mở đầu hội thảo, PGS.TS Phạm Anh Tuân đã có những góp ý kĩ lưỡng cho dự thảo như: chưa thống kê năng lượng địa nhiệt vào danh mục tài nguyên địa chất tại khoản 2, điều 3; cần bổ sung nguyên tắc “Tôn trọng chủ quyền quốc gia với tài nguyên địa chất và khoáng sản” vào phần “Các nguyên tắc hội nhập và hợp tác quốc tế”; Luật Địa chất và Khoáng sản có sự chồng chéo với Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp, Luật Tài nguyên nước… từ đó có thể gây mâu thuẫn pháp lý và nhầm lẫn cho các bên liên quan và ảnh hưởng đến sự bền vững về môi trường.
PGS.TS Phạm Anh Tuân và TS. Lê Thị Thu Hòa góp ý tại hội thảo
Đồng quan điểm với PGS.TS Phạm Anh Tuân về việc bổ sung cơ chế xử lý tranh chấp giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, hoặc giữa doanh nghiệp và người dân, liên quan đến quyền khai thác, bồi thường và môi trường, TS. Lê Thị Thu Hòa còn đề xuất về việc bổ sung các điều khoản quy định rõ nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng địa phương; Tăng cường vai trò của cộng đồng trong giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Điều này nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước từ ngành khoáng sản, đồng thời khuyến khích sử dụng tài nguyên hiệu quả và tiết kiệm (tại Khoản 8 Điều 4 Chương 1). Đặc biệt, TS. Lê Thị Thu Hòa cũng đề xuất cần bổ sung cụ thể hơn các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản trực tiếp và vùng lân cận.
Sau 3 giờ làm việc, các giảng viên Trường Đại học Tây Bắc đã đóng góp những giải pháp khoa học nhằm giúp xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản chặt chẽ, hợp lý, cụ thể hơn. Sự hiện diện và góp ý dự thảo nghiêm túc đã cho thấy tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ trí thức Trường Đại học Tây Bắc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như đất nước.