Tin tức hoạt động

Ngày 28/10/2024, tại phòng họp 2, nhà A, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ – Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Các giải pháp nâng cao năng lực tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh, buổi Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên, học viên và Lưu học sinh Lào, đặc biệt là những người đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tham dự buổi hội thảo, về phía Trường Đại học Tây Bắc có: TS. Hoàng Ngọc Anh – Phó Hiệu trưởng; TS. Đặng Hồng Liên – Trưởng khoa Khoa học Xã Hội; TS. Phạm Đức Viễn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ; và một số đại biểu thuộc các phòng, ban chức năng Trường Đại học Tây Bắc.  

Chủ trì hội thảo là GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo – Trường Ngoại ngữ – Du lịch, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Hoàng Ngọc Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc đã giới thiệu về mục đích, nội dung và ý nghĩa của hội thảo. Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tiếng Việt được bạn bè năm châu nghiên cứu, tìm hiểu, học tập ngày càng nhiều, việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài như một ngoại ngữ được nhà nước đặc biệt quan tâm. Do đó, việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là một lĩnh vực quan trọng và cần được chú trọng. Phó Hiệu trưởng cũng đề cập đến những vấn đề thực tiễn và thách thức trong công tác nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, đặc biệt là Lưu học sinh Lào hệ Dự bị tiếng Việt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay. Qua buổi hội thảo, Ban Tổ chức hi vọng các đại biểu có cơ hội lắng nghe, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp mới để đổi mới phương pháp và giáo trình giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào.

 

Ảnh 1: TS. Hoàng Ngọc Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại buổi hội thảo, các báo cáo tham luận được trình bày cụ thể, hấp dẫn. Mở đầu là báo cáo tham luận của TS. Nguyễn Trung Kiên về  các giải pháp nâng cao kĩ năng Viết cho Lưu học sinh Lào. Đối với công tác giảng dạy tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào, người dạy cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của kĩ năng viết cho người học, phải tạo cơ hội cho người học được rèn luyện kỹ năng viết ở mọi lúc mọi nơi, trong lớp học cũng như ngoài giờ học, trong tiết học chính khóa cũng như các hoạt động ngoại khóa, tham quan học tập vui chơi khác. Người dạy nên rèn luyện kĩ năng Viết cho người học theo các cấp độ viết tăng dần: chính tả, từ, cụm từ, câu, đoạn văn, văn bản. Kĩ năng Viết là một kĩ năng khó và cần khá nhiều thời gian để luyện tập, thực hành và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để tạo thói quen, rèn luyện kiên trì. Đối với giáo viên, công việc này không chỉ nên tiến hành áp dụng riêng đối với giờ dạy kĩ năng Viết mà cần được lồng ghép trong tất cả các hoạt động dạy tiếng Việt.

 

Ảnh 2: TS. Nguyễn Trung Kiên trình bày báo cáo

Tiếp đó ThS. Nguyễn Hạnh Vân trình bày báo cáo về “Áp dụng trò chơi ngôn ngữ trong dạy học tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào hệ dự bị”. Trong phần này ThS. Nguyễn Hạnh Vân đã chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn của cá nhân trong quá trình giảng dạy tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào. Theo tác giả: “nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ rõ, trò chơi có ảnh hưởng rất tích cực trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ. Nó như một hoạt động giao tiếp gắn liền với thực tế đời sống, giúp cải thiện khả năng giao tiếp của người học”. Báo cáo đã nhận diện và làm rõ hơn khái niệm “trò chơi ngôn ngữ” và các bình diện liên quan, khả năng áp dụng và cải biên các trò chơi ngôn ngữ tiếng Anh trong việc giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho người nước ngoài, cùng với một số trò chơi ngôn ngữ được cải biên từ tiếng Anh với các thử nghiệm cụ thể.

 

Ảnh 3: ThS. Nguyễn Hạnh Vân trình bày báo cáo

Báo cáo được TS. Trần Thị Lan Anh – Trưởng Bộ môn Ngữ văn trình bày tại hội thảo là “Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học ngữ pháp tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào hệ dự bị”. Báo cáo đề xuất một số phương pháp giảng dạy ngữ pháp như: ngữ pháp – dịch thuật, trực tiếp, giao tiếp, học ngữ pháp qua ngữ cảnh… Trước tiên, người dạy cần phải nắm bắt các đặc điểm ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt, sau đó phân tích ưu điểm và đặc điểm của từng phương pháp, cũng như cách áp dụng linh hoạt các phương pháp này để đạt được kết quả cao nhất trong quá trình giảng dạy. Giáo viên cần phải phân tích nhu cầu và trình độ của từng Lưu học sinh để lựa chọn các phương pháp giảng dạy phù hợp. Việc kết hợp nhiều phương pháp như ngữ pháp - dịch thuật, trực tiếp, giao tiếp và học qua ngữ cảnh có thể giúp Lưu học sinh phát triển toàn diện kĩ năng ngôn ngữ và đạt được kết quả tốt nhất trong việc học tiếng Việt.

 

Ảnh 4: TS. Trần Thị Lan Anh – Trưởng Bộ môn Ngữ văn trình bày báo cáo

Tiếp theo là bài báo cáo của Th.S Lò Thị Hồng Nhung về những giải pháp phát triển hoạt động ngoại khóa tiếng Việt dành cho Lưu học sinh Lào hệ dự bị. Học tiếng Việt đối với người nước ngoài không chỉ bao gồm các bài học lý thuyết trong lớp học mà còn cần sự tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động bổ trợ. Đây là những hoạt động quan trọng, không chỉ giúp người học nâng cao năng lực tiếng Việt mà còn giúp họ hòa nhập tốt hơn vào môi trường sống và văn hóa Việt Nam. Thay vì chỉ học ngữ pháp và từ vựng trong sách vở, học viên sẽ được thực hành sử dụng tiếng Việt trong những tình huống hàng ngày như tham gia các lễ hội và sự kiện văn hóa, tham quan các di tích lịch sử và được trò chuyện giao tiếp nhiều với người Việt Nam từ đó giúp người học nâng cao khả năng giao tiếp một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Th.S Lò Thị Hồng Nhung cũng chỉ ra những khó khăn thách thức khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa: khó khăn trong việc tìm nguồn lực, sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, khó khăn trong việc thiết kế các nội dung hoạt động sao cho phù hợp, hấp dẫn người học và khó khăn trong việc sắp xếp, phân bố thời gian và lịch trình sao cho hợp lý.

 

Ảnh 5. Th.S Lò Thị Hồng Nhung trình bày báo cáo

Cuối cùng là bài báo cáo của ThS. Đinh Thị Ngọc Linh về việc vận dụng lí thuyết hành vi của Burrhus Frederic Skinner vào dạy – học tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc dạy và học tiếng Việt không còn là vấn đề riêng của người Việt. Đặt vấn đề về việc vận dụng lí thuyết hành vi của Burrhus Frederic Skinner vào dạy – học tiếng Việt cho người nước ngoài, báo cáo làm rõ các nội dung sau: phân tích lý thuyết hành vi của Burrhus Frederic Skinner, khả năng và các phương diện vận dụng lí thuyết hành vi trong dạy – học tiếng Việt với những ưu điểm, nhược điểm cụ thể.

Ảnh 6: Th.S Đinh Thị Ngọc Linh trình bày báo cáo

Kết thúc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp thay mặt nhóm nghiên cứu bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các đại biểu đã tham gia. Ông đánh giá cao những đóng góp sâu sắc từ các báo cáo và thảo luận tại Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh giá trị của các ý kiến chia sẻ. Những đóng góp này sẽ giúp nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện, đề xuất các giải pháp toàn diện nhằm nâng cao năng lực tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào, mở rộng và quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

 

Ảnh 7: GS.TS Nguyễn Văn Hiệp phát biểu nhận xét tính cấp thiết của hội thảo

 

Ảnh 8: Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Share for UTB