Bộ môn Sinh học tổ chức hoạt động nhân rộng phương pháp dạy học tích cực và hoà nhập tại Trường THPT Bình Thuận, huyện Thuận Châu

Aus4Skills là chương trình hỗ trợ của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đào tạo, tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, có kỹ năng, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Trong chuỗi chương trình hỗ trợ, Aus4skills đã ký kết chương trình hợp tác với Trường Đại học Tây Bắc trong hơn 3 năm (từ năm 2017 đến năm 2020) về các lĩnh vực, như: Bảo đảm chất lượng giáo dục; Đổi mới chương trình giảng dạy; Phương pháp giảng dạy tích cực và hòa nhập; Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới... Để nhân rộng kết quả của chương trình về phương pháp giảng dạy tích cực và hoà nhập, các giảng viên nhóm ILO của Bộ môn Sinh học thuộc Khoa KHTN - CN Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức hoạt động chia sẻ một số phương pháp dạy học tích cực và hoà nhập tại Trường THPT Bình Thuận, huyện Thuận Châu vào chiều ngày 16/04/2021.

Mở đầu buổi chia sẻ, ThS. Bùi Thị Thanh Hải đã giới thiệu khái quát về quá trình tập huấn, một số kết quả của chương trình đổi mới phương pháp dạy học tích cực và hoà nhập trong thời gian vừa qua.

 

Đ/c Bùi Thị Thanh Hải giới thiệu về kết quả của chương trình đổi mới phương pháp dạy học tích cực và hoà nhập trong thời gian vừa qua

 Dưới sự hướng dẫn của ThS. Bùi Thị Thanh Hải, các giáo viên thuộc Tổ Khoa học Tự nhiên Trường THPT Bình Thuận được thực hiện nhiều hoạt động khác nhau như: “Ai nhanh hơn?” ; “Thấu hiểu để yêu thương”; “Hẹn hò tốc độ”,”Cảm nhận và chia sẻ”.... Tham gia trực tiếp các hoạt động này là cách để các giáo viên trải nghiệm, hiểu và biết cách thức tổ chức, vận dụng các hình thức tổ chức dạy học khác nhau trong một tiết học hoặc một buổi ngoại khoá; hiểu ý nghĩa của từng hoạt động; cách thức để đặt vấn đề, kích thích giải phóng năng lượng tích cực của học sinh khi bắt đầu một tiết học; các bước để thực hiện việc tổ chức hoạt động nhóm có hiệu quả cao, khuyến khích được sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhóm, từng bước hình thành cho học sinh khả năng tư duy độc lập, năng lực hoạt động nhóm và tự tin khi trình bày trước lớp hoặc trước đám đông.

 Một số hình ảnh của buổi chia sẻ:

 

 

 Kết thúc buổi chia sẻ, ThS. Mai Thanh Hoà đã tóm tắt, kết luận lại nội dung từng hoạt động và các bước thực hiện, cách vận dụng vào trong giảng dạy. Đại diện của các giáo viên Trường THPT Bình Thuận phát biểu cảm ơn cũng như cảm nhận về ý nghĩa hoạt động chia sẻ của nhóm ILO của Bộ môn Sinh học Khoa Khoa học Tự nhiên - Công nghệ, đồng thời các giáo viên mong muốn tiếp tục duy trì các hoạt động kết nối tương tự trong thời gian tới.

 

Các giảng viên Bộ môn Sinh học chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên Trường THPT Bình Thuận, huyện Thuận Châu.

Share for UTB