Vào ngày 15-16/6/2024, Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức thành công chương trình tập huấn "Đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa". Chương trình này được tài trợ bởi Đại sứ quán Na Uy, Cơ quan Phát triển Na Uy và Quỹ Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, với sự thực hiện trực tiếp của Trường Đại học Fulbright và Trung tâm Thúc đẩy khởi sự khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số Trường Đại học Tây Bắc.

Chương trình tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết về vấn đề ô nhiễm nhựa, cung cấp và cập nhật các công cụ hiệu quả trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các giảng viên và sinh viên Nhà trường. Đồng thời, chương trình còn khai phóng và nhân rộng các ý tưởng giải pháp khả thi nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực về Đổi mới Sáng tạo (ĐMST) thông qua quy trình ĐMST trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại địa phương.

Chương trình có sự tham dự của các đại biểu như TS. Hoàng Ngọc Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc, bà Phan Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Đại học Fulbright Việt Nam, ông Cầm Bun Lộc - Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc Sở Tài nguyên & Môi trường Sơn La, và ThS. Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Quỹ BK Fund BK Holdings ĐH Bách Khoa Hà Nội.

 

TS. Hoàng Ngọc Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc

Ông Cầm Bun Lộc - Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc Sở Tài nguyên & Môi trường Sơn La, đã chia sẻ thực tế về tình hình ô nhiễm nhựa tại địa phương. Ông cho biết, hiện nay toàn tỉnh Sơn La chỉ có một nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại bản Pát, xã Chiềng Ngần, trong khi các huyện khác chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Riêng huyện Mường La từ năm 2017 đến nay không có bãi chôn lấp và phải vận chuyển rác gần 30km về thành phố Sơn La để xử lý.

 

Ông Cầm Bun Lộc chia sẻ về vấn đề nhựa tại địa phương

Trong phần hướng dẫn và thực hành, TS. Phan Hoàng Lan đã giúp các học viên tìm hiểu và sử dụng các công cụ ĐMST trong việc xác định vấn đề và giải pháp cho ô nhiễm nhựa. Các học viên được chia thành bốn nhóm chủ đề: Khách du lịch, Nội trợ, Cửa hàng Cafe, Người trẻ, sinh viên để cùng thảo luận và thực hành.

 

TS. Phan Hoàng Lan ĐH Fulbright Việt Nam

Cùng tham gia chương trình, ThS. Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc quỹ BK Fund, BK Holdings, ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ và cùng thảo luận về chủ đề “ĐMST và định hướng nghề nghiệp tại đại học”. Trong quá trình phát triển của xã hội, việc định hướng nghề nghiệp của sinh viên cần dành ưu tiên cho các vấn đề đời sống mang tính cấp thiết, đảm bảo mối quan hệ nhà trường, gia đình, nhà tuyển dụng…

Kết thúc khóa tập huấn, học viên không chỉ nâng cao năng lực cá nhân về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giảm thải nhựa mà còn có cơ hội phát triển và triển khai các dự án môi trường giảm thải nhựa tại vùng Tây Bắc, với sự hướng dẫn từ các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

Chương trình tập huấn này đã diễn ra thành công, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo và giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa tại địa phương.

Sau đây là một số hoạt động của Trung tâm, giảng viên, sinh viên trong buổi tập huấn:

Share for UTB