Kế thừa tinh thần các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng rất quan tâm đến phát triển giáo dục và đào tạo. Văn kiện Đại hội XIII có những điểm mới nổi bật so với Đại hội XII không chỉ về hình thức mà cả nội dung về giáo dục và đào tạo.

Ở Văn kiện Đại hội XII, nội dung giáo dục và đào tạo được đề cập ở mục "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ" thì ở Văn kiện Đại hội XIII, giáo dục và đào tạo đã được để ở mục riêng. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII đã gắn nội dung phát triển giáo dục và đào tạo với đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đây là điểm mới rất quan trọng, được thể hiện cụ thể ở năm nội dung cốt lõi cơ bản sau:

Thứ nhất, "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động"(1). Như vậy, vẫn trên tinh thần bảo đảm thống nhất chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nhưng Đại hội XIII yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động. Rõ ràng nội dung này vừa có sự kế thừa các đại hội trước, vừa xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như hội nhập quốc tế. Nội dung tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn kết với nhiệm vụ thực hiện đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nội dung chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức phù hợp với chủ trương định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 "cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; "phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới"(2). Đại hội XII mới đặt ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội(3), Đại hội XIII đặt ra phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đại hội XII đề cập "Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo điều kiện hỗ trợ dịch chuyển lao động và phân bố lao động hợp lý, hiệu quả"(4), Đại hội XIII xuất phát từ tình hình thực tiễn mới đã xác định chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức.

Thứ hai, "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến qua in-tơ-nét, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)"(5).

Như vậy để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, theo tinh thần Đại hội XIII, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Một là, nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học. Đây vẫn là vấn đề căn bản, cốt yếu của mọi nền giáo dục nói chung. Bởi lẽ, việc biên soạn sách giáo khoa và chế độ thi cử trong giáo dục của chúng ta còn nhiều bất cập. Hai là, chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đây là đội ngũ "máy cái" của nền giáo dục, nếu đội ngũ này không có trình độ, phương pháp, đạo đức, nhân cách thì không thể đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo được. Ba là, chuyển mạnh từ hình thức giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến qua in-tơ-nét truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Thực tế chống đại dịch Covid-19 cho thấy, giáo dục của chúng ta đã chuyển tương đối thành công sang giáo dục trực tuyến. Thực tế đó khẳng định chúng ta có thể đa dạng hóa các hình thức giáo dục phù hợp xu thế thời đại. Bốn là, đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu). Nội dung này xuất phát từ yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Bốn nội dung này liên hệ, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, nếu thực hiện tốt sẽ có cơ sở tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. So với tinh thần Đại hội XII thì nội dung này cũng có những điểm mới đáng lưu ý. Chẳng hạn, Đại hội XIII đề cập nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa; quan tâm không chỉ kỹ năng sống mà còn kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)...

Thứ ba, "Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số"(6). Nội dung thứ ba này rất căn cơ, bài bản, bởi lẽ, một là, đổi mới giáo dục, đào tạo phải bắt đầu từ đổi mới giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, vì vậy phải thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc. Trước đây chúng ta thường chú ý nhiều tới đổi mới giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Hai là, trong nội dung này chúng ta chú ý quan tâm nhiều tới giáo dục phổ thông. Chính vì vậy, Đại hội XIII xác định sẽ đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Những nội dung này nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đây cũng chính là những điểm mới so với Đại hội XII. Đồng thời, xuất phát từ thực tế Việt Nam, Đại hội XIII cũng thẳng thắn đặt ra nhiệm vụ phù hợp là giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, "Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư. Quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng; có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới"(7). Nội dung này tập trung vào sắp xếp hệ thống trường học, trong đó có các trường công lập và các trường ngoài công lập, các trường đại học và cao đẳng. Trong khi sắp xếp lại hệ thống trường học, Đại hội XIII của Đảng rất lưu ý: Một là, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Đại hội XII mới chỉ nêu quan tâm phát triển giáo dục, dạy nghề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, thì Đại hội XIII đã chú ý cả vùng biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách. Như vậy đầy đủ hơn, toàn diện hơn, không bỏ sót đối tượng nào. Hai là, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư. Đại hội XII đặt ra nhiệm vụ "Thí điểm chuyển đổi mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý và đầu tư phát triển"(8), Đại hội XIII đề xuất chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư. Đây là bước phát triển về quan điểm giáo dục đào tạo công lập và ngoài công lập. Ba là, có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới. Thực hiện tốt ba nội dung này thì việc sắp xếp hệ thống các trường học mới có hiệu quả và phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam cũng như nắm bắt được xu hướng chung của thế giới.

Thứ năm, "Thực hiện cơ chế tự chủ một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện; thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của lao động. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực"(9). Nội dung này cũng rất mở cho phát triển giáo dục phổ thông. Đặc biệt lần đầu tiên, Đảng ta xác định lộ trình phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Trên đây là năm nội dung quan trọng thể hiện quan điểm cốt lõi, cơ bản nhất của Đại hội XIII về phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nếu thực hiện tốt các nội dung này, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

GS, TS TRẦN VĂN PHÒNG Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ST: Báo Nhân dân

Share for UTB