In bài này
Nguyễn Ngọc Duy
Chuyên mục: Phương pháp dạy học

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm tái lập Khoa Hoá học, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc "Nghiên cứu và giảng dạy Hoá học" vào ngày 31/10/2020. Hội thảo là diễn đàn để các Nhà khoa học, Nhà giáo và các Nhà quản lý giáo dục trao đổi, thảo luận, công bố các kết quả và định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy hoá học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.

Hưởng ứng thông báo của Hội thảo, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên sau gần 5 tháng từ khi chính thức thông báo điến khi kết thức thời gian nhận bài, Ban tổ chức đã nhận được 59 bài báo từ các Nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó gồm 40 bài báo nghiên cứu về khoa học giáo dục và 19 bài báo về nghiên cứu khoa học cơ bản được gửi tới Hội thảo từ nhiều trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, cơ quan nghiên cứu, trường phổ thông,... trên khắp các miền đất nước với trách nhiệm khoa học và nghề nghiệp rất cao như: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Hoá học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Phenyka, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường THPT Chuyên Trần Phú – Hải Phòng, Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, Hà Nam, Trường THPT Phương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ, Trường THPT Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội; Trường THPT Gò Công, Tiền Giang, Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Thành Phát,... . Với các tác giả quốc tế, Ban Tổ chức nhận được 03 báo cáo đến từ Khoa Tự nhiên, Trường Đại Học Savannakhet - Lào. Nhìn chung, các bài báo đã tập trung vào các vấn đề: Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh; Đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở trường phổ thông; Phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bộ môn Hoá học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018; Hoá học vật liệu; Hoá năng lượng và môi trường; Hoá học các hợp chất tự nhiên; Hoá lí thuyết và Hoá lí; Hoá sinh; công nghệ sinh học và nông nghiệp; Hoá phân tích,... Điều đó cho thấy sự tiếp cận đa dạng, phong phú của các tác giả, nhóm tác giả với các vấn đề liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy hoá học trong giai đoạn hiện nay.

Các Nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Kết thúc phiên toàn thể, sau khi được nghe các báo cáo mời của các tác giả: PGS.TS. Đặng Thị Oanh – Trường ĐHSP Hà Nội, TS. Đào Văn Dương - Trường Đại học Phenyka và TS. Phạm Thị Bích Đào – Viện KHGD Việt Nam, Hội thảo đã tiến hành báo cáo, thảo luận tại hai tiểu ban: Tiểu ban giảng dạy hóa học và Tiểu ban Nghiên cứu hóa học với sự phát triển bền vững.

Tham dự và viết bài cho Hội thảo, Trường Đại học Tây Bắc có 3 giảng viên của Khoa KHTN-CN là TS. Nguyễn Ngọc Duy, ThS. Lê Quốc Khánh và ThS. Phạm Thị Chuyên với các bài viết: Phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh các tỉnh miền núi Tây Bắc thông qua dạy học dự án phần hóa học phi kim Trung học phổ thông của TS. Nguyễn Ngọc Duy và ThS. Lê Quốc Khánh; Nghiên cứu hấp phụ Auramine O trên vật liệu Nanosilica chế tạo từ vỏ trấu và ứng dụng trong phân tích của ThS. Phạm Thị Chuyên.

Các giảng viên Khoa KHTN-CN tham dự Hội thảo

Báo cáo trực tiếp tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Duy đã trình bày bài viết: Phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh các tỉnh miền núi Tây Bắc thông qua dạy học dự án phần hóa học phi kim Trung học phổ thông.

TS. Nguyễn Ngọc Duy báo cáo tại Hội thảo

Tiếp nối các bài viết trước đã trình bày về thực trạng việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh các tỉnh miền núi Tây Bắc cũng như thiết kế bộ công cụ để đánh giá sự phát triển năng lực này của học sinh thông qua dạy học dự án phần hóa học phi kim Trung học phổ thông. Trong nội dung bài viết này tác giả đã tập trung trình bày kết quả việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh các tỉnh miền núi Tây Bắc thông qua dạy học dự án phần hóa học phi kim Trung học phổ thông. Bài viết đã thu hút sự quan tâm, sự trao đổi, thảo luận của các Nhà khoa học cũng như các đại biểu tham dự Hội thảo.

Sau khi lắng nghe và thảo luận 22 báo cáo trực tiếp tại hai tiểu ban, Hội thảo đã chính thức khép lại với nhiều vấn đề nóng, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và các Nhà khoa học trong thời gian vừa qua cũng như định hướng phát triển về công tác giảng dạy và nghiên cứu hóa học.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Đào Thị Việt Anh – Trưởng Khoa Hóa học Trường ĐHSP Hà Nội 2, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo đã nhấn mạnh: Nghiên cứu và giảng dạy các môn khoa học nói chung, khoa học hoá học nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước. Nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong sự tồn tại, phát triển của xã hội mà nó còn có vị trí cực kỳ quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần Nghị Quyết 29-NQ/TW, đòi hỏi các nhà khoa học phải đổi mới và kết nối để tìm ra những hướng nghiên cứu thiết thực, gắn kết nghiên cứu khoa học cơ bản với các vấn đề của thực tiễn, giảng dạy hoá học, đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm trên toàn quốc. Công tác nghiên cứu khoa học cần được xem là một “mắt xích” quan trọng không thể thiếu được trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Qua Hội thảo này sẽ là cơ hội để gắn kết các Khoa sư phạm, các trường Đại học, Viện nghiên cứu trong cả nước và tạo tiền đề cho các Hội thảo tiếp theo trong thời gian sắp tới.

Share for UTB