In bài này
Tống Thanh Bình
Chuyên mục: Tin tức

Nhận lời mời của Bảo tàng tỉnh Sơn La, chiều ngày 19 tháng 11 năm 2020, đoàn đại biểu Khoa Khoa học Xã hội - Trường Đại học Tây Bắc, gồm một số giảng viên và sinh viên bộ môn Lịch sử đã đến dự Hội thảo: “Kết quả nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tiền – Sơ sử vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình (địa bàn tỉnh Sơn La)” được tổ chức tại Hội trường Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Tham gia Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử và các cộng sự tham gia đề tài cùng đại diện các phòng của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Sơn La, đại diện 5 xã thuộc địa bàn nghiên cứu của đề tài và các nhà nghiên cứu thuộc các Hội, Trung tâm, các Trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ThS. Lưu Thị Hải Anh, Giám đốc Bảo tàng Tỉnh Sơn La - Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo những kết quả chính. Tiếp đó, các thành viên đề tài báo cáo các nội dung: Những kết quả cơ bản của chuyến khảo sát, điền dã tại các di tích di chỉ vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình; Những phát hiện mới tại hang Tắng, Đá Đỏ, huyện Phù Yên; Những phát hiện mới về di tích khảo cổ học Tiền sử ở lòng hồ Thủy điện Hòa Bình (xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Ngoài ra, Hội thảo còn trình chiếu tóm tắt 12 đoạn phim tư liệu được thực hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX về tỉnh Sơn La trước khi di dân phục vụ công trình Thủy điện Hòa Bình.

Tiếp đó, Hội thảo đã được nghe ý kiến đóng góp của 10 đại biểu đại diện các đơn vị tham gia. Các ý kiến xoay quanh các vấn đề: khẳng định giá trị khoa học và thực tiễn của đề tài, việc gắn kết quả nghiên cứu với phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch, việc công bố và sử dụng những kết quả nghiên cứu phục vụ công tác giảng dạy, việc kết nối giữa các giảng viên Trường Đại học Tây Bắc với các chuyên gia thông qua vai trò của Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Giải trình những trao đổi của các đại biểu, Th.S Lưu Thị Hải Anh đã trình bày những vấn đề còn tồn tại và hướng giải quyết của đề tài, đồng thời cảm ơn các Sở, ban ngành, chính quyền các xã và người dân đã tạo điều kiện để đề tài được hoàn thành. Phát biểu kết luận, bế mạc Hội thảo, ThS. Phạm Văn Tuấn - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La - một lần nữa khẳng định những đóng góp của đề tài đối với việc nghiên cứu vùng Tây Bắc thời Tiền- Sơ sử cũng như góp phần phục vụ phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, tổng kết những vấn đề đề tài cần chỉnh sửa bổ sung để sớm nghiệm thu và công bố kết quả nghiên cứu.

Đối với giảng viên, sinh viên bộ môn Lịch sử, thông qua việc tham dự Hội thảo, các đại biểu đã được cập nhật nhiều kết quả nghiên cứu mới, phương pháp tiếp cận chuyên ngành khảo cổ học và có cơ hội giao lưu với các chuyên gia cũng như các đại biểu đến từ các đơn vị trên địa bàn tỉnh, mở ra nhiều hướng hợp tác phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Giảng viên, sinh viên bộ môn Lịch sử chụp ảnh với PGS.TS. Nguyễn Lân Cường

 

Giảng viên, sinh viên bộ môn Lịch sử và PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử

 

Giảng viên bộ môn Lịch sử và ThS. Lưu Thị Hải Anh – Giám đốc Bảo tàng

PGS.TS Nguyễn Lân Cườngchia sẻ kết quả nghiên cứu

 

Trình chiếu hoạt động của đoàn khảo sát, khai quật các di chỉ khảo cổ

 

Các hiện vật thời Tiền - Sơ sử vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình được trưng bày tại Hội thảo

 

Thành viên đề tài giới thiệu các di vật được phát hiện trong các đợt khai quật di chỉ khảo cổ

Sơn La, ngày 23/11/2020.

Share for UTB