In bài này
Nguyễn Thị Hồng Nhung
Chuyên mục: Tin tức

Thực hiện Kế hoạch năm học 2022 - 2023, ngày 25/2/2023, các giảng viên bộ môn Địa lý thuộc Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc đã thực hiện hoạt động hỗ trợ, kết nối và phục vụ cộng đồng tại các trường phổ thông huyện Vân Hồ. Với mục đích thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học, đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm của Trường Đại học Tây Bắc đối với cộng đồng, với các đồng nghiệp cùng chuyên môn, bộ môn Địa lý đã thực hiện hoạt động hỗ trợ giáo viên 04 trường phổ thông (THPT Mộc Hạ; THPT Vân Hồ; TTGDTX Vân Hồ, THCS và THPT Nội trú huyện Vân Hồ) về đổi mới phương pháp ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi học sinh giỏi (HSG) và các quy trình, kỹ năng, kinh nghiệm hướng dẫn học sinh (HS) thực hiện các dự án khoa học kĩ thuật (KHKT) trong lĩnh vực Khoa học Xã hội.

Ảnh 1: Nhóm giảng viên bộ môn Địa lý chụp ảnh kỉ niệm cùng các thầy cô đại diện 4 trường phổ thông trên địa bàn huyện Vân Hồ tại Trường THPT Vân Hồ

Cô giáo Nguyễn Thanh Chiến - Hiệu trưởng Trường THPT Vân Hồ đã phát biểu và gửi lời cảm ơn tới đoàn công tác đến từ bộ môn Địa lý - Trường Đại học Tây Bắc. Với tâm thế hào hứng, sẵn sàng gặp gỡ và đồng hành, các đơn vị trường trên địa bàn huyện Vân Hồ đều mong muốn thực hiện nhiều hơn nữa các chương trình kết nối, hỗ trợ chuyên môn góp phần nâng cao trình độ cho giáo viên và chất lượng hoạt động dạy - học của thầy và trò các trường của huyện.

Phần đầu tiên của chương trình, ThS. Nguyễn Thị Huệ đã chia sẻ kinh nghiệm, các hướng tiếp cận đa dạng, hiệu quả trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và ôn thi HSG. Đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với giáo viên (GV) các trường phổ thông nói chung và môn Địa lý nói riêng. Với kinh nghiệm hơn 20 năm ôn luyện thi tốt nghiệp và lãnh các đội tuyển HSG ThS. Nguyễn Thị Huệ đã cung cấp các bước cụ thể, quy trình chi tiết trong việc tổ chức các giờ học ôn luyện và các bí quyết đặc trưng cho từng nội dung ôn thi.

Ảnh 2: ThS Nguyễn Thị Huệ trao đổi kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi HSG

Nội dung này đã được các thầy cô tích cực trao đổi, chia sẻ về một số vấn đề thường gặp trong quá trình ôn thi như về năng lực của HS, về việc lựa chọn các chủ đề trọng tâm hay các vấn đề chuyên sâu hơn của bộ môn... Một số thầy cô sau nhiều năm ôn thi cho HS cũng bày tỏ quan điểm của cá nhân về vấn đề ôn thi tốt nghiệp của HS các trường hiện nay; đồng thời, nêu ý kiến đề xuất những chương trình, hoạt động chia sẻ sau buổi kết nối thông qua các hình thức online và offline.

Ảnh 3: Thầy giáo Vì Văn Phúc – GV Địa lý trường THPT Mộc Hạ trao đổi ý kiến và bày tỏ mong muốn được cập nhật thêm nguồn tài nguyên khi ôn thi tốt nghiệp và HSG

Ảnh 4: Cô giáo Nguyễn Lan Phương – GV Tổ trưởng chuyên môn trường THPT Vân Hồ trao đổi ý kiến và kinh nghiệm ôn thi

Sau buổi thảo luận về vấn đề ôn thi, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung tiếp tục trao đổi cùng các thầy cô đại diện của 4 trường về quy trình, cách thức hướng dẫn thực hiện các dự án KHKT thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội hay dự án tham gia các cuộc thi (Kiến tạo tương lai, VINUNI, StartUp...) và một số kinh nghiệm cá nhân khi thực hiện các dự án khoa học xã hội hành vi, khởi nghiệp.

Ảnh 5: TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn các dự án KHKT

Liên quan đến nội dung này, Thầy Triệu Văn Tiên - Phó hiệu trưởng Trường THPT Mộc Hạ cho biết, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Sơn La đã có hướng dẫn thực hiện các mô hình STEAM trong nhà trường phổ thông. Do đó, việc đẩy mạnh hoạt động STEAM nói chung và việc nghiên cứu các dự án lĩnh vực Khoa học Xã hội dưới hình thức kết hợp liên môn nói riêng sẽ có vai trò bổ trợ cho việc hình thành năng lực, phẩm chất của HS, đem lại hiệu quả thiết thực hơn nữa trong hoạt động dạy - học gắn liền với thực tiễn, trải nghiệm. Mặt khác, hoạt động hướng dẫn HS thực hiện các dự án KHKT về lĩnh vực khoa học xã hội hành vi của các thầy cô tổ xã hội còn thiếu, chưa được chú trọng thực hiện và các dự án chủ yếu tập trung vào mảng kĩ thuật do tổ tự nhiên phụ trách. Vì vậy, trong thời gian trao đổi TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng đưa ra một vài ý tưởng, gợi ý các vấn đề có tính đặc thù của địa phương về văn hóa, du lịch, hành vi phù hợp với điều kiện, năng lực của HS, nhằm phát huy được sở trường của các thầy cô; đồng thời, trao tặng những cuốn sách là sản phẩm của đề tài nghiên cứu với hi vọng đây sẽ là ý tưởng gợi mở cho quá trình lựa chọn thực hiện các dự án trong tương lai.

Ảnh 6: TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung gửi tặng sách tới các Nhà trường

Tổng kết chương trình làm việc, thay mặt cho các thầy cô bộ môn Địa lý, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung đã chỉ rõ những định hướng hợp tác, hỗ trợ trong thời gian tới trong lĩnh vực chuyên môn và nghiên cứu thông qua các hình thức. Cả 2 bên cùng cam kết quyết tâm thực hiện có hiệu quả các quy trình, nội dung công việc đã đề ra, đồng thời, các chương trình hợp tác sẽ thực hiện lâu dài, có đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể, chi tiết.

Ảnh 7: GV bộ môn Địa lý và đại diện Trường PTDT Nội trú

Ảnh 8: GV bộ môn Địa lý và đại diện Trung tâm GDTX Vân Hồ

Share for UTB