In bài này
Đặng Công
Chuyên mục: Tin tức

Ngày 16/4/2022 tại Nhà văn hóa bản Nà Sành, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, Trường Đại học Tây Bắc và Trường Đại học Southern Cross (Australia) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết hợp tác giai đoạn I (2017 - 2021) và tổng kết mô hình nông lâm kết hợp triển khai từ năm 2018 - 2021. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. TS. Đoàn Đức Lân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tây Bắc chủ trì Hội thảo.

Tham gia Hội thảo có Bà Nguyễn Thị Thanh An - Trưởng đại diện Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tại Việt Nam; GS. Doland John Nichols - Trường Đại học Southern Cross; Bà Quàng Thị Phượng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu; Ông Trần Văn Thử - Nguyên Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thuận Châu; Ông Lường Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bó Mười, huyện Thuận Châu; Ông Quàng Văn Thành - Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thuận Châu; ThS. Lò Minh Đức - Cựu sinh viên Trường Đại học Tây Bắc và Trường Đại học Southern Cross, Cán bộ điều phối SCU tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo còn có một số giảng viên Trường Đại học Tây Bắc; đại diện Ban Quản lý bản, các ban ngành đoàn thể, hộ gia đình thực hiện mô hình và đại diện các hộ gia đình bản Nà Sành.

TS. Đoàn Đức Lân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường chủ trì Hội thảo

Trường Đại học Tây Bắc có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thuộc các lĩnh vực sư phạm, kinh tế, du lịch, nông lâm nghiệp và môi trường; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Bắc; thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế, kết nối và phục vụ cộng đồng. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Đại học Tây Bắc luôn chú trọng thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đối tác, các trường đại học trong nước và quốc tế. Từ năm 2017, Trường Đại học Tây Bắc đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Southern Cross. Hai trường đã triển khai một số hoạt động hợp tác với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng địa phương tạo sinh kế bền vững, trao đổi sinh viên, tập huấn phân tích số liệu, công bố khoa học. Một trong những hoạt động hợp tác đã được triển khai thành công đó là xây dựng mô hình nông lâm kết hợp tại bản Nà Sành.

Tại Hội thảo, TS. Vũ Đức Toàn - Trưởng Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Khoa Nông - Lâm đã báo cáo kết quả triển khai mô hình nông lâm kết hợp và đánh giá hiệu quả tác động của mô hình. Các đại biểu tham dự Hội thảo được xem phóng sự ngắn về quá trình thực hiện mô hình, nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận của chuyên gia Trường Đại học Sothern Cross, Tổ chức ACIAR, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu, UBND xã Bó Mười và các đại biểu tham dự, sau đó thăm quan thực địa mô hình. Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao và ghi nhận những kết quả hợp tác giữa hai trường, những tác động tích cực của mô hình nông lâm kết hợp đối với người dân địa phương, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nhân rộng mô hình, bảo đảm tính bền vững của Dự án.

TS. Đoàn Đức Lân trao quà của Dự án là cây giống cho các đại biểu và người dân

Cuối buổi Hội thảo, Dự án đã trao tặng 100 cây mắc khén, 1000 cây đào, 5000 cây cà phê cho đại biểu tham dự và các hộ gia đình tại bản Nà Sành, xã Bó Mười. Trường Đại học Tây Bắc trao tặng cho Bản Nà Sành 16 bộ bàn ghế, số lượng bàn ghế này sẽ được kê tại Nhà văn hóa phục vụ cho các hoạt động chung của bản.

Trên cơ sở kết quả hợp tác giai đoạn I, Trường Đại học Tây Bắc và Trường Đại học Southern Cross tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác giai đoạn II với Dự án “Các loài cây bản địa của Việt Nam để cải thiện sinh kế” tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La. Hi vọng, với những kết quả đã đạt được của mô hình nông lâm kết hợp tại Thuận Châu và những hoạt động hợp tác đang triển khai tại Mường La, Trường Đại học Tây Bắc và Trường Đại học Southern Cross sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển bền vững nông lâm nghiệp của người dân địa phương.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MÔ HÌNH:

Cây trồng sinh trưởng tốt trong mô hình

Băng cỏ trong mô hình là nguồn thức ăn chăn nuôi, giúp nông hộ phát triển chăn nuôi

Niềm vui của chủ hộ gia đình khi mô hình đã có những kết quả tốt

Share for UTB