In bài này
Đinh Thanh Tâm
Chuyên mục: Tin tức

Tại Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Tây Bắc, ngày 15/11/2020, NGƯT.TS. Đinh Thanh Tâm - Hiệu trưởng Nhà trường đã có bài phát biểu trước toàn thể đại biểu, khánh quý, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của Nhà trường. Trong bài phát biểu đó, đồng chí đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về Nhà trường trong quá trình lịch sử xây dựng và phát triển 60 năm. Ban Biên tập xin được giới thiệu lại nguyên văn bài phát biểu này.

Kính thưa: Đ/c Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!
Kính thưa: Đ/c Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La!
Kính thưa: Đ/c Chu Lê Chinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu!
Kính thưa: Đ/c Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biện!
Kính thưa: Các đ/c đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu!
Kính thưa: Các quý vị đại biểu, khách quý, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trường, lãnh đạo các doanh nghiệp, các phóng viên báo, đài, các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, học viên, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc!

Hôm nay, trong không khí xúc động và tự hào, Trường Đại học Tây Bắc long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 60 năm thành lập Trường và Khai giảng năm học 2020-2021. Lời đầu tiên, cho phép tôi thay mặt tập thể lãnh đạo Trường và toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên, xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, khách quý, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên đã đến tham dự buổi Lễ. Sự có mặt của quí vị thể hiện tình cảm quý báu, mối quan tâm đặc biệt và là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ lớn lao đối với toàn thể nhà trường chúng tôi.

Tôi xin nhiệt liệt chào mừng 607 tân sinh viên, những thanh niên ưu tú có kết quả tốt trong những năm tháng học tập ở phổ thông và trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, trúng tuyển vào trường.

Xin kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên, các phóng viên báo, đài sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc cho buổi Lễ của chúng ta hôm nay thành công tốt đẹp!

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Thưa toàn thể các đồng chí!

Trong giờ phút xúc động này, tôi xin phép được ngược dòng thời gian, trở về với những khoảnh khắc đầu tiên đánh dấu lịch sử hình thành của Trường Sư phạm cấp II đặt tại Khu Tự trị Thái - Mèo, tiền thân của Trường Đại học Tây Bắc sau này.

Ngày 07 tháng 5 năm 1959, hàng ngàn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc Tây Băc náo nức kéo về sân vận động huyện Thuận Châu, chờ đợi giây phút xúc động, đón Bác Hồ về thăm. Tại buổi Lễ, Bác căn dặn đồng bào phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, bảo vệ rừng, phát triển bình dân học vụ, chăm lo vệ sinh, phòng bệnh. Bác yêu cầu các cán bộ trong Đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo Khu phải quan tâm đẩy mạnh công cuộc giáo dục vùng cao, phải mở trường để con em các đồng bào có nơi học tập, tiếp cận ánh sáng tri thức để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Thực hiện tâm nguyện của Người, ngày 30/6/1960, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký ban hành Quyết định số 267/QĐ về việc thành lập các Trường Sư phạm cấp II liên tỉnh, trong đó có Trường Sư phạm cấp II đặt tại Khu Tự trị Thái - Mèo. Quyết định này thể hiện tầm nhìn có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Chính phủ đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của các tỉnh Tây Bắc. Sự ra đời của Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái Mèo không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo tại chỗ đội ngũ giáo viên cấp II cho các tỉnh Tây Bắc, mà còn đặt nền móng cho sự ra đời của một trường đại học ở khu vực Tây Bắc sau này. Ngày đầu thành lập, Trường chỉ có 12 giáo viên, được Bộ Giáo dục điều động từ dưới xuôi lên. Đó là các thầy: Đỗ Mộng Bảo, Trần Kiều (giáo viên Toán); Lê Kỳ Huân, Hoàng Thiện Hùng (Giáo viên Văn); Trần Phương Thịnh (Giáo viên Địa), Đoàn Phùng (Giáo viên Sử), Vũ Tự Hùng (Giáo viên Hoá), Trịnh Đình Toán (Giáo viên Sinh), Đặng Thọ Nhân (Giáo viên Lý), Lê An (Giáo dục học), Cao Thiệp (Giáo viên Chính trị), Võ Lương (Giáo viên Thể dục), do thầy Đỗ Mộng Bảo phụ trách.
Lễ công bố quyết định thành lập Trường được tiến hành vào tháng 10 năm 1960, tại Khu học xá Tây Bắc (thuộc Châu Mường La, tỉnh Sơn La, nay là khu vực Khách sạn Công đoàn, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La).

Vạn sự khởi đầu nan. Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái Mèo được thành lập ở vùng núi cao Tây Bắc xa xôi, giao thông đi lại cực kì khó khăn, trình độ dân trí thấp, vào thời điểm cả nước vừa thoát ra khỏi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nên có biết bao gian khó. Thiếu thầy, thiếu trò, thiếu cơ sở vật chất, và cả thiếu ăn. Ngay sau khi công bố Quyết định thành lập Trường, các thầy đã phải xuống các bản làng thuộc các tỉnh Tây Bắc để chiêu sinh các em đã tốt nghiệp cấp II vào học. Năm học đầu tiên có 152 giáo sinh theo học, được biên chế thành 5 lớp (4 lớp 7 + 2 và 1 lớp vệ tinh). Thầy và trò phải đi vào rừng chặt cây, kiếm gianh, nứa để dựng lớp, dựng nhà ở, tự làm bàn ghế học tập. Đa số các môn học, các giáo sinh phải học “chay” vì không có giáo trình, không có các đồ dùng, thí nghiệm thực hành. Khó khăn là thế, thiếu thốn là thế, nhưng với quyết tâm đào tạo tại chỗ lực lượng giáo viên cấp II phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục miền núi Tây Bắc, các thầy giáo ngày ấy đã thắp sáng ngọn lửa của trái tim và trí tuệ, ngọn lửa của tình yêu, khát khao cống hiến cho đất nước, cho Tây Bắc, để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình: “Tất cả vì tương lai con em các dân tộc Tây Bắc thân yêu”. Ngọn lửa ấy đã được các thế hệ tiếp nối, giương cao cháy sáng cho đến hôm nay và mãi mãi về sau.

Cuối năm 1961, Khu học xá Khu Tự trị Thái Mèo chuyển về Thủ phủ của Khu tại huyện Thuận Châu, Sơn La. Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái Mèo cũng được chuyển về Huyện Thuận Châu từ đó.

Năm 1962, Khu Tự trị Thái Mèo đổi tên thành Khu Tự trị Tây Bắc, do đó tên Trường cũng đổi thành Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Tây Bắc.

Từ năm 1960 đến năm 1964, Trường chỉ đào tạo giáo viên cấp II trình độ (7 + 2) Tự nhiên và Xã hội. Đến năm học 1964 – 1965, Trường bắt đầu đào tạo giáo viên (7 + 3) hai ban: Tự nhiên, Xã hội, rồi sau đó là bốn ban: Toán – Lý, Sinh – Hóa, Văn – Sử, Địa – Sinh.

Năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá Miền Bắc và Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Tây Bắc cũng nằm trong mục tiêu đánh phá của chúng. Dưới sự chỉ đạo của Khu uỷ và Uỷ ban hành chính Khu, Trường đã phải đi sơ tán tới Nà Toong, Liệp Muội (huyện Thuận Châu), Huổi Má, Hát Củ - Chiềng Ơn (huyện Quỳnh Nhai). Năm 1967, cơ sở đào tạo chính của Trường ở Thuận Châu đã bị bom Mỹ san phẳng. Trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, Trường phải thực hiện nhiệm vụ đào tạo của mình nơi núi cao, rừng thẳm, trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn. Toàn bộ bàn ghế học tập, nhà ở, lớp học, đồ dùng dạy học đều do thầy và trò tự làm. Hang núi, cây rừng được biến thành nhà ở và lớp học; củ chuối, thanh tre trở thành đồ dùng dạy học; lọ mực, ống tiêm, khúc nứa cũng biến thành ngọn đèn phòng không!Có những lúc, nắm rau tàu bay, nắm rau rền gai, hoa chuối rừng, củ mài, củ sắn, thay cơm. Giữa núi rừng Tây Bắc xa xôi và đầy gian khó của những năm tháng chiến tranh, thầy và trò Trường Sư phạm cầp II Khu Tự trị Tây Bắc hồn nhiên khắc phục mọi khó khăn bằng ý chí, nghị lực, để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có thể nói, ai đã từng công tác, học tập dưới mái trường này trong những năm tháng ấy đều được rèn luyện bản lĩnh vượt khó, tinh thần phấn đấu vươn lên thích ứng với hoàn cảnh, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, chủ động sáng tạo trong giảng dạy, học tập.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, trong điều kiện sơ tán, nhưng quy mô đào tạo vẫn tiếp tục được mở rộng, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn giáo dục các tỉnh Tây Bắc. Từ năm học 1968 – 1969, ngoài việc tuyển sinh, chiêu sinh ở các tỉnh Tây Bắc, Trường bắt đầu tuyển sinh và chiêu sinh từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Vì thế, quy mô đào tạo của Trường ngày một lớn hơn. Năm học 1969 – 1970, Trường đã có 792 giáo sinh các hệ đào tạo, gấp hơn 5 lần ngày đầu thành lập.

Cùng với việc mở rộng quy mô đào tạo, Trường luôn có kế hoạch đảm bảo, nâng cao chất lượng, trình độ và cấp độ đào tạo. Các năm học 1967 – 1968, 1968 – 1969, dù phải sơ tán ở 9 địa điểm khác nhau, có địa điểm cách xa trung tâm Trường hàng trăm ki-lô-mét, Trường vẫn cử nhiều đoàn cán bộ, giáo viên cốt cán đi nghiên cứu thực tế công tác quản lý, giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, đi khảo sát chất lượng đào tạo của Nhà trường tại các tỉnh Sơn La, Nghĩa Lộ, Điện Biên và Lai Châu, đảm bảo công tác đào tạo của Trường gắn với thực tiễn Tây Bắc hơn và chuẩn bị tiền đề cho ý tưởng thành lập một trường đại học ở khu vực Tây Bắc.

Từ năm học 1972 – 1973, Trường bắt đầu đào tạo giáo viên (10 + 3). Tên trường cũng được đổi thành Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc. Chất lượng đầu vào của Trường đã được nâng lên, nhiều giáo viên giỏi cũng được Bộ Giáo dục điều động bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho Trường xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Phong trào tự học nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ giai đoạn này được tất cả giáo viên, cán bộ hưởng ứng nhiệt liệt, góp phần tích cực nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ hiện có. Đồng thời đó cũng là tiền đề để từ năm học 1978 – 1979 trở đi, hàng năm, Nhà trường đã cử nhiều thầy cô giáo đi học cao học, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài, chuẩn bị đội ngũ cho bước phát triển nhảy vọt sau này.

Hai mươi năm đầu kể từ ngày thành lập, thầy và trò, cán bộ và nhân viên Nhà trường đã phải gồng mình vượt qua bom đạn chiến tranh, đã phải bươn trải qua những năm tháng gieo neo, thắp sáng ngọn lửa nhiệt tình cách mạng và ý chí kiên cường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Hơn 70 thầy giáo và giáo sinh Nhà trường đã tham gia lực lượng vũ trang đánh Mỹ, có người đã ngã xuống nơi chiến trường. Những người ở lại đã bền bỉ, vững vàng trên từng vị trí của mình. Có thể nói rằng: Cả những người trên tiền tuyến trực tiếp đánh quân thù và cả những người tiếp tục đứng trên bục giảng, lớp học, đều là những người chiến sĩ kiên cường xả thân vì sự nghiệp độc lập của dân tộc, vì sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục của đất nước và vùng cao Tây Bắc. Trong 20 năm (1960 – 1980), thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp II có trình độ trung cấp sư phạm, Nhà trường đã đào tạo 2.271 giáo sinh tốt nghiệp ra trường, trong đó có 490 giáo sinh là con em đồng bào dân tộc ít người. Từ mái trường này, những giáo viên cấp II được giáo dục về lý tưởng cách mạng, được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học, được rèn luyện về kỹ năng nghề nghiệp, trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá, giáo dục, toả về các bản làng, đem ánh sáng văn hoá của Đảng, của Chế độ mới đến với đồng bào 23 dân tộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Nhiều người trong số đó đã trở thành những giáo viên giỏi, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành giáo dục và của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sau này.

Với những đóng góp có ý nghĩa quan trọng đó, các cựu giáo viên, cán bộ, sinh viên luôn là niềm tự hào của tập thể Nhà trường và chính các đồng chí đã làm rạng danh mái trường Trường Đại học Tây Bắc ngày hôm nay.

Ghi nhận những cống hiến của Trường trong 20 năm, năm 1980, Nhà nước đã tặng thưởng Nhà trường Huân chương Lao động hạng Ba; Bộ Giáo dục và các tỉnh Tây Bắc đã tặng tập thể và cán bộ giáo viên Nhà trường nhiều phần thưởng cao quý .

Những thành tích của nhà trường giai đoạn này gắn liền với tên tuổi của các đồng chí lãnh đạo Trường: Đồng chí Lường Văn Cúc, Đồng chí Đỗ Mộng Bảo, Đồng chí Trần Kiều, Đồng chí Phạm Viết Tâm, Đồng chí Đặng Phối, Đồng chí Cầm Quynh, Đồng chí Phí Văn Thinh, Đồng chí Phan Lạc Đĩnh, Đồng chí Hoàng Siêng,...

Căn cứ vào nhu cầu phát triển văn hoá, giáo dục của khu vực Tây Bắc, căn cứ vào những thành tích, cống hiến và thực lực của Nhà trường, được sự quan tâm ủng hộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Bắc, được Bộ Giáo dục đề nghị, ngày 6 tháng 4 năm 1981, Chính phủ đã ra Quyết định 146/QĐ – CP do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ký, nâng cấp Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc thành Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Hai mươi năm tiếp theo (1981 – 2000), Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên THCS và Tiểu học có trình độ cao đẳng sư phạm. So với thời kỳ đầu, thời kỳ này Nhà trường có nhiều thuận lợi hơn nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Trước khi đổi mới, nền kinh tế tập trung, bao cấp của nước ta đã rơi vào khủng hoảng, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội nước ta. Lương của cán bộ nói chung, đặc biệt là lương của các thầy giáo, cô giáo không đủ sống. Nhà ở, lớp học chủ yếu làm bằng gianh, tre, nứa, lá, không đủ kín để chống lại cái lạnh cắt da, cắt thịt, lạnh đến thấu xương của mùa đông Tây Bắc, không đủ để ngăn cản cái khô nóng, rát bỏng của gió Lào trước và sau Tết Nguyên Đán. Nước sinh hoạt không đủ dùng, rau xanh cực kỳ khan hiếm và hoả hoạn xảy ra liên miên. Nhiều khi, khoai sắn cũng không có mà ăn, thầy trò phải tự tăng gia sản xuất, dùng ý chí và nghị lực, bươn trải vượt qua những khó khăn của cuộc sống thường nhật.

Số thí sinh thi vào các trường sư phạm nói chung, đặc biệt là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc ngày một ít. Có những năm, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường chỉ có 100, mà cũng không tuyển đủ.

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI đã mở ra một thời kỳ mới trên đất nước ta. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đem lại sự thay đổi to lớn trên mọi miền đất nước. Thành quả của công cuộc đổi mới đã đem lại điều kiện phát triển mới cho ngành giáo dục nói chung và Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc nói riêng. Công tác tuyển sinh, đào tạo và các hoạt động khác đã có những thuận lợi mới, đời sống vật chất cũng như tinh thần được cải thiện hơn trước, nhưng Nhà trường lại đứng trước những thách thức mới.

Cuối những năm tám mươi, đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX, có chủ trương sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng. Vì thế, đã có chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 để thành lập Trường Đại học Tây Bắc đóng tại thị xã Hoà Bình (nay là thành phố Hoà Bình). Do nhiều nguyên nhân, chủ trương đó không được thực hiện! Tiếp đó, giữa những năm chín mươi, lại có chủ trương đưa Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc về cho địa phương quản lý! Những chủ trương ấy kéo dài trong khoảng 10 năm đã ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của Nhà trường và tư tưởng của giáo viên, cán bộ. Nhiều cán bộ, giáo viên giỏi đã xin chuyển về xuôi công tác; cơ sở vật chất của Nhà trường không được đầu tư xây dựng, hàng năm chỉ được cấp một khoản tiền chống xuống cấp ít ỏi. Vì vậy, tới tháng 3 năm 2001, thời điểm Trường lên đại học, cơ ngơi của Nhà trường vẫn chỉ gồm các dãy nhà cấp bốn, các dãy nhà toocxi lợp ngói.

Trong tình hình đó, tập thể Nhà trường vẫn kiên trì, năng động, bằng nhiều việc làm và biện pháp, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để giữ Trường, xây dựng Trường vững mạnh đi lên. Trong những năm quy mô sinh viên sụt giảm, Nhà trường đã tập trung vào việc xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, số cán bộ, giảng viên của Trường có trình độ thạc sĩ tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2000, trong số 113 cán bộ giảng dạy đã có 33 thạc sĩ, 1 tiến sĩ, 15 người đang học cao học và nghiên cứu sinh chuẩn bị bảo vệ.

Trình độ đội ngũ được nâng cao, do vậy, chất lượng đào tạo cũng ngày càng tốt hơn. Sinh viên do Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc đào tạo, tốt nghiệp được người sử dụng đánh giá cao cả về tư tưởng, đạo đức, lẫn chuyên môn nghiệp vụ. Trong suốt qua trình xây dựng, phát triển, khi gặp thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, Trường luôn được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chia sẻ, giúp đỡ. Sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đặc biệt là của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, huyện Thuận Châu, cùng với sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của Nhà trường, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đã giúp cho Trường chẳng những đứng vững, mà còn vượt qua thách thức, khó khăn, liên tục phát triển.

Trong 20 năm, với vai trò của một trường cao đẳng sư phạm, Trường đã đào tạo bồi dưỡng được 4.219 giáo viên THCS và Tiểu học có trình độ CĐSP. Đó là những nhân lực chất lượng cao, góp phần quyết định mở rộng trường lớp và tăng cường chất lượng giáo dục phổ thông ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và các tỉnh Bắc Lào. Đặt trong hoàn cảnh khó khăn, có lúc hết sức ngặt nghèo như trên thì con số trên thực sự rất có ý nghĩa. Nó không chỉ góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở ở các tỉnh Tây Bắc, mà còn chứng minh rằng: truyền thống vượt khó, dám nghĩ, dám làm, vẫn luôn được phát huy trong những năm tháng ấy.

Do có nhiều thành tích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, năm 1999, Trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2000, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ: Đơn vị tiên tiến xuất sắc. Đảng bộ Nhà trường những năm cuối của thập kỷ chín mươi đến năm 2000 liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Công đoàn cơ sở Nhà trường nhiều lần được tặng cờ của Công đoàn Giáo dục Việt nam, của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được công nhận là đơn vị có phong trào khá nhất của tỉnh Sơn La, được Trung ương Đoàn tặng cờ thi đua xuất sắc.

Những thành tích của Nhà trường trong giai đoạn này gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo: Đồng chí Cầm Quynh, Đồng chí Phạm Viết Tâm, Đồng chí Hoàng Siêng, Đồng chí Hoàng Lãng, Đồng chí Nguyễn Thiện Tề, Đồng chí Trần Minh Phong, Đồng chí Đinh Văn Cung, Đồng chí Lò Tiến Thâm, Đồng chí Quàng Văn Tịch, Đồng chí Mai Thị Suối, ...

Bằng sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của tập thể Nhà trường và để đảm bảo sự bình đẳng giữa các vùng miền trong cả nước, ngày 7/5/1998, Chính phủ đã có Thông báo số 98/TB-VPCP, đồng ý về chủ trương thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Sau đó, nhiều hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, với sự tham gia của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, và lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Bắc đã được triển khai để bàn về phương án thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Ngày 23 tháng 3 năm 2001, Chính phủ đã ra Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký, thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Quyết định thành lập Trường Đại học Tây Bắc của Chính phủ đã hiện thực hoá ý tưởng thành lập trường đại học cho khu vực Tây Bắc của các thế hệ lãnh đạo Nhà trường đã được xuất hiện từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Sự ra đời của Trường Đại học Tây Bắc là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị, văn hoá, giáo dục của các tỉnh Tây Bắc và của cả nước. Lần đầu tiên trên mảnh đất miền Tây Bắc Tổ quốc có một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, đáp ứng được ước vọng bao đời của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Kể từ đây, con em các dân tộc, cán bộ và nhân dân Tây Bắc có một địa chỉ tin cậy ở ngay quê hương, để học tập, bồi dưỡng đạt trình độ cao.

Trở thành trường đại học là một niềm vui lớn, nhưng Nhà trường lại phải đứng trước khó khăn, thách thức cực kỳ to lớn. Đội ngũ cán bộ quản lí, cán bộ giảng dạy vừa thiếu, vừa yếu; cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Với đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất hiện có, tập thể cán bộ, giảng viên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể, tìm các giải pháp và các bước đi cụ thể để xây dựng và phát triển Nhà trường. Trường đã cử nhiều đoàn cán bộ, giảng viên đi tham quan học hỏi, tranh thủ sự giúp đỡ của các trường đại học lớn. Bộ máy tổ chức của trường đại học từng bước được hoàn thiện. Nhà trường đã công bố sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý đào tạo, kế hoạch chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường. Các thiết chế quản trị, quản lí trong trường như Quy chế làm việc của Đảng uỷ, Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy chế dân chủ, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế đào tạo,… cũng từng bước được xây dựng và hoàn thiện, góp phần có hiệu quả vào việc quản trị, quản lí mọi mặt hoạt động của Nhà trường.

Trường đã từng bước thực hiện giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính, tự chịu trách nhiệm về chất lượng công tác cho các đơn vị trực thuộc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các đơn vị và từng mặt công tác trên cơ sở các văn bản, các quy chế đã được Nhà trường xây dựng.

Cùng với việc mở rộng quy mô và ngành đào tạo, Trường đã tăng cường các điều kiện và biện pháp đảm bảo chất lượng đào tạo. Sớm ý thức được vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ giảng dạy, đối với sự tồn tại và phát triển của Nhà trường, ngoài việc cử nhiều cán bộ, giảng viên đi học cao học và nghiên cứu sinh ở trong nước, Trường đã tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham gia nhiều hội thảo khoa học kết hợp tham quan học tập tại các trường đại học lớn ở nước ngoài. Thực hiện Quyết định số 2905/QĐ/BGD&ĐT, ngày 11 tháng 5 năm 2001 và Kết luận số 2195/VP, ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Tây Bắc đã chủ động làm việc với các trường đại học lớn và đã nhận được sự giúp đỡ rất có hiệu quả. Các trường: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và sau này là Học viện Biên phòng… đã cử nhiều giảng viên lên dạy thỉnh giảng các lớp đại học và cao học cho Nhà trường. Riêng trong 5 năm, từ 2005 đến 2010, Nhà trường đã mời được 145 lượt Giáo sư, 288 lượt Phó Giáo sư, 364 lượt Tiến sĩ lên tham gia giảng dạy và báo cáo các chuyên đề khoa học, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên của Trường và nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể nói, đây là một chủ trương vô cùng đúng đắn và sáng suốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời đó của Lãnh đạo Bộ, các Vụ chức năng của Bộ và sự ủng hộ giúp đỡ có hiệu quả của các trường đại học lớn, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường có bước phát triển mạnh. Từ năm 2001 đến nay đã có 295 cán bộ, giảng viên có bằng thạc sỹ, 101 cán bộ, giảng viên bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, 09 cán bộ, giảng viên được phong hàm Phó Giáo sư, 143 giảng viên chính, 10 giảng viên chính được nâng ngạch lên giảng viên cao cấp. Hiện tại, tổng số cán bộ, giảng viên của Trường hiện nay là 451, trong đó có 317 giảng viên, gồm 4 PGS, 84 tiến sĩ, 206 thạc sĩ.

Việc triển khai xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường được triển khai thực hiện rất khẩn trương. Ngay sau khi có quyết định thành lập, Nhà trường đã tiến hành làm các thủ tục xin cấp đất tại thành phố Sơn La, lập dự án tiền khả thi và khả thi xây dựng Trường. Được sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, UBND, các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Sơn La, Dự án tiền khả thi xây dựng Trường Đại học Tây Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/3/2004 sau tròn 3 năm tích cực chuẩn bị và sau đó, ngày 27/4/2004, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng hoàn thiện Trường trong khuôn viên 95 ha, tại phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh uỷ Sơn La, ngày 14/1/2005, Trường đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai xây dựng Trường Đại học Tây Bắc, thực hiện Nghị quyết 37/TW ngày 04 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với sự tham dự của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Quốc hội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Điện Biên, Lai Châu và các trường đại học lớn được Bộ phân công giúp đỡ Nhà trường. Sau thành công của Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định đưa Dự án xây dựng Trường Đại học Tây Bắc vào dự án nhóm A của Chính phủ. Từ đó, nguồn kinh phí xây dựng cấp cho Trường hàng năm trở lên dồi dào hơn. Nhờ vậy, đến nay, Nhà trường đã có hệ thống phòng học, giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, khu thực hành, ký túc xá khang trang, rộng rãi, với các trang thiết bị hiện đại đủ để đào tạo đồng bộ 5000 đến 6000 học viên và sinh viên các loại hình đào tạo.

Được sự tạo điều kiện giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các Trường, các Viện, đến nay, Trường đã mở được 06 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ, 25 ngành đào tạo trình độ đại học và giữ lại 02 ngành đào tạo trình độ cao đẳng thuộc các khối ngành: Sư phạm, Nông Lâm nghiệp, Công nghệ Thông tin, Du lịch, Tài chính- Ngân hàng, Quản lý Kinh tế, Quản lý tài nguyên và môi trường. Nhà trường có 01 trường phổ thông thực hành ở trong Trường. Bên cạnh đó, Trường còn liên kết với các trường đại học lớn trong nước đào tạo và cấp bằng thạc sỹ một số ngành học mà các tỉnh Tây Bắc có nhu cầu.

Năm học 2019-2020, quy mô đào tạo của toàn Trường là 5.558 học sinh, sinh viên và học viên trong đó có: 3500 học viên và sinh viên hệ chính quy, 1400 học viên hệ vừa làm vừa học; 658 học sinh phổ thông, dự bị Tiếng Việt, 834 lưu học sinh của nước bạn Lào. Tỷ lệ học viên và sinh viên là người dân tộc thiểu số đạt 77%. Tính từ năm 2001 đến nay, Nhà trường đã đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng hệ chính quy cho 5.983 sinh viên; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy cho 17.484 sinh viên, trong đó có 439 lưu học sinh của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng hệ vừa làm vừa học cho 2.368 học viên; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ vừa làm vừa học cho 15.698 học viên; đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng thạc sỹ cho 393 học viên, trong đó có 31 học viên là Lưu học sinh của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; liên kết với các trường đại học lớn trong nước đào tạo và cấp bằng thạc sỹ cho 1.749 học viên ở một số ngành học mà các tỉnh khu vực Tây Bắc có nhu cầu. Từ năm 2010 trở về trước 100% học viên và sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp ra Trường đã tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy 85% học viên và sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp ra Trường đã tìm được việc làm phù hợp.

Công tác nghiên cứu khoa học luôn được Nhà trường quan tâm thực hiện. Từ năm 2001 đến nay, Trường đã và đang thực hiện 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; 01 chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ; 92 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp Bộ, trong đó: 18 đề tài, dự án được xếp loại xuất sắc, chiếm tỷ lệ 19%; 51 đề tài, dự án xếp loại đạt chiếm 56% và 23 đề tài, dự án đang triển khai thực hiện (25%). Trường đã và đang triển khai 47 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, trong đó có: 02 đề tài xếp loại xuất sắc, 35 đề tài/ dự án khoa học công nghệ xếp loại đạt, 10 đề tài đang triển khai thực hiện. Cán bộ, giảng viên của Trường đã công bố 1163 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và 90 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành ở nước ngoài, trong đó có 83 bài có chỉ số ISI/Scopus. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, tạo ra sinh kế mới cho người dân và góp phần phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh khu vực Tây Bắc. Nhà trường luôn khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học với 1458 đề tài. Trong đó có 26 đề tài đạt giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ, bao gồm (3 giải nhất, 1 giải nhì, 5 giải ba và giải 18 khuyến khích). Hàng năm, nhà trường luôn có các cán bộ, giảng viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng vì có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín ở nước ngoài. Từ năm 2001 đến nay, đã có các giảng viên được nhận giải thưởng có giá trị vì có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, bao gồm: 01 giảng viên được nhận giải thưởng Lương Đình Của; 02 giảng viên được nhận giải thưởng Phạm Thận Duật; 01 giảng viên được nhận giải thưởng Quả cầu vàng; 01 giảng viên được nhận giải thưởng Môi trường Việt Nam, 01 giảng viên được nhận danh hiệu Nhà khoa học của nhà nông; 03 giải thưởng các công trình toán học quốc tế; 02 giải thưởng cấp Bộ dành các nhà nghiên cứu trẻ;

Tạp chí Khoa học của Nhà trường được xuất bản đều đặn 01 số/quý. Nhà trường luôn quan tâm triển khai viết giáo trình các môn học với yêu cầu vừa đảm bảo tính khoa học, hiện đại, vừa gắn với thực tiễn tự nhiên, xã hội các tỉnh Tây Bắc.

Hoạt động hợp tác quốc tế cũng có nhiều thành tựu quan trọng, hiện tại Trường nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế như JICA của Nhật Bản, Fullbright của Mỹ, Aus for skills của Australia, đã có thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với một số trường đại học của Nhật Bản, Australia, Ba Lan, Đức, Hàn Quốc.
Gần đây, sau 30 tháng thực hiện công tác tự đánh giá cơ sở giáo dục đại học theo Bộ tiểu chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động quản trị, quản lý Nhà trưởng có thêm những biến chuyển tích cực. Tháng 9 năm 2020, Trường Đại học Tây Bắc đã đón Đoàn đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học của Trung tâm Kiểm định Chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lên kiểm định và đánh giá Trường. Nhà trường đã được các chuyên gia của Đoàn đánh giá ngoài đánh giá cao ở toàn bộ 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí. Hiện Trung tâm Kiểm định Chất lượng giáo dục đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy định để cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường.

Do có nhiều thành tích trong công tác đào tạo, nghiên cứu, năm 2005, Trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2010, Trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đảng bộ Nhà trường nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Công đoàn cơ sở Nhà trường nhiều lần được tặng cờ và bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt nam, của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được Trung ương Đoàn tặng cờ đơn vị xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; bằng khen của Trung ương Đoàn và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho đơn vị có nhiều thành thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Như vậy, sau gần 20 năm thực hiện nhiệm vụ của một trường đại học, Trường Đại học Tây Bắc, một trường đại học đa ngành ở khu vực Tây Bắc đã có bước trưởng thành rõ rệt và đã khẳng định được vị trí vững chắc của mình trong thực tiễn. Những thành tích của Nhà trường trong giai đoạn này gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo: Đồng chí Đặng Quang Việt, Đồng chí Lò Tiến Thâm, Đồng chí Nguyễn Văn Bao, Đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Đồng chí Lò Doan, Đồng chí Vũ Tiến Dũng, Đồng chí Nguyễn Hoàng Yến, Đồng chí Trần Thị Thanh Hồng, Đồng chí Nguyễn Thanh Sâm, Đồng chí Nguyễn Thị Nhung, Đồng chí Nguyễn Duy Quang, Đồng chí Lò Văn Nét, Đồng chí Phạm Thị Hòa, Đồng chí Lừ Thị Minh, Đồng chí Hoàng Văn Viện, Đồng chí Phạm Văn Lực, Đồng chí Nguyễn Văn Chụa, Đồng chí Lê Khảm và nhiều đồng chí khác hiện vẫn đang công tác tại Trường.
Những thành tựu tốt đẹp ấy là kết quả của sự đoàn kết và kế thừa truyền thống; sự nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn thử thách; là kết tinh của trách nhiệm và trí tuệ của tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường qua nhiều thế hệ. Sự nghiệp xây dựng và phát triển Trường Đại học Tây Bắc sẽ luôn là một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ của lớp lớp các thế hệ thày và trò.
Có được các thành tựu kể trên là nhờ có sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, các Bộ, Ngành, đoàn thể, các cơ quan trung ương, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh ủy Sơn La; sự hỗ trợ của Tỉnh uỷ Điện Biên và Lai Châu, sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Uỷ ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, các Sở, Ban, Ngành của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan báo chí, truyền thông; sự hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành của các trường bạn; sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Trong buổi lễ trang trọng này, tôi xin bày tỏ lòng thành kính và tri ân tới các thế hệ thầy và trò, những người đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành, xây dựng và phát triển Trường Đại học Tây Bắc.
Tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, Ngành, Tỉnh ủy, UBND, HĐND, các Sở, Ban, Ngành các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, các Trường, cơ quan báo chí, truyền thông vì sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, đồng hành, xẻ chia của các đồng chí. Xin trân trọng cảm ơn đồng bào các dân tộc Tây Bắc vì sự cưu mang đùm bọc, vì sự tin tưởng gửi gắm con em vào học tập, rèn luyện trong Trường trong suốt những năm qua.
Tiếp nối truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò Trường Đại học Tây Bắc nguyện sẽ luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương sáng suốt của Đảng, chính sách của Nhà nước, Nghị quyết của Đại hội đại biểu đảng bộ các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXIII của Nhà trường vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Tây Bắc xanh, nhanh và bền vững.
Về năm học 2020-2021, năm học khởi đầu của một thập niên mới, với nhiều sự kiện quan trọng trong nước và thế giới. Chúng ta đang sống trong những ngày tháng mà cả thế giới đang chìm ngập trong đại dịch COVID19 với những khó khăn bộn bề. Bằng sự đoàn kết, nhất trí, niềm tin tưởng, đồng tâm thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nước ta đã thần kỳ thoát khỏi đại dịch COVID19, biến nguy thành cơ hội phát triển và bứt phá. Với Trường ta, tôi tin tưởng rằng, bằng sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng và quyết tâm bám sát, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Chỉ thị năm học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới các hoạt động trong Nhà trường, thực hiện mọi biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chúng ta sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Với các bạn sinh viên K61, các bạn thực sự là những người hạnh phúc hơn rất nhiều thanh niên khác, những người không đủ điều kiện vào đại học trong kỳ tuyển sinh vừa qua. Các bạn được đến Trường, đến lớp, được sinh hoạt tập thể, học tập trên giảng đường, thực hành trên phòng thí nghiệm, đọc sách trong thư viện…, cho dù giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện chưa thực sự hiện đại như các bạn mong ước thì những hoạt động rất bình thường ấy đối với các bạn lại chỉ đến trong giấc mơ của rất nhiều thanh niên khác. Tôi mong các bạn hiểu rõ về những gì mình đang có mà chuyên cần học tập, rèn trí, luyện tài để sau này ra Trường lập nghiệp, trước hết có công ăn việc làm, nuôi sống bản thân, gia đình, sau này làm giàu cho quê hương, bản quán, tạo ra nhiều công ăn việc làm, qua đó giúp đỡ bạn bè, những người dân mà vì nhiều lý do khác nhau không được đến trường học hành, không được đào tạo bài bản như các bạn.

Trúng tuyển vào đại học, đó thực sự là khởi đầu đẹp đẽ, nhưng cũng bắt đầu mở ra trước mặt các bạn một con đường mới đầy gian nan và thử thách: Con đường của trí tuệ và học thuật với một khối lượng lớn kiến thức cần phải tích lũy, rất nhiều kỹ năng cần được luyện rèn. Việc học tập không thể làm nhanh, không thể một sớm một chiều có thể hoàn thành mà phải bền bỉ thực hiện qua từng tháng, từng năm và cũng không thể quá chậm. Quỹ thời gian dành cho các bạn ở trường chỉ từ 3 đến 4 năm. Thầy giỏi, phương pháp học tập tốt, thiết bị hiện đại sẽ giúp các bạn bớt đi phần nào những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức nhưng chẳng thể giúp các bạn có được các thành công nếu không có sự chủ động, cần mẫn thường xuyên của các bạn. Các bạn không nên chờ đợi, mà phải chủ động biến chương trình đào tạo của nhà trường thành chương trình đào tạo của chính mình, chủ động tìm thầy, tìm tài liệu và lĩnh hội kiến thức thì mới có thể mau chóng thành đạt, để không phụ công nuôi dưỡng của cha mẹ, không phụ công giảng dạy của thầy cô, không phụ lại sự hỗ trợ, chăm sóc của các chú, các bác công nhân viên nhà trường. Ngay từ những ngày đầu của khóa học, các bạn đã phải rất chuyên cần, học thầy, học bạn để mau chóng trưởng thành. Tôi tin tưởng rằng, với sức trẻ, óc sáng tạo và sự năng động của những con người sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ các bạn sẽ mau chóng trưởng thành hơn cả thế hệ chúng tôi.

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Thưa các thầy giáo, cô giáo, các đồng chí cán bộ, giảng viên, các bạn học viên và sinh viên!

Trong buổi lễ trang trọng này, thay mặt tập thể lãnh đạo Nhà trường, một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng thành kính và tri ân tới các thế hệ thầy và trò của Nhà trường; tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tỉnh ủy, UBND, HĐND, các Sở, Ban, Ngành của các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; các đồng chí lãnh đạo các Trường; các cơ quan báo chí, truyền thông và đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Xin kính chúc các vị đại biểu, khách quý, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên, lãnh đạo các doanh nghiệp, các phóng viên báo đài sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Chúc cho buổi Lễ của chúng ta thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

Sơn La, ngày 15 tháng 11 năm 2020
HIỆU TRƯỞNG

 

 

Đinh Thanh Tâm

Share for UTB