In bài này
Bùi Thanh Hoa
Chuyên mục: Tin tức

Thực hiện Kế hoạch năm học 2022 - 2023, nhóm giảng viên Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc đã lập, xin phê duyệt và thực hiện các kế hoạch kết nối và phục vụ cộng đồng tại Trường Đại học Đà Lạt từ ngày 08 tháng 8 đến ngày 12 tháng 8 năm 2022.

Ảnh 1. Nhóm giảng viên Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc tại khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt

Xuất phát từ ý tưởng tổ chức chuỗi seminar “Nghiên cứu vùng cao – Mountainous Area Research” mang tính liên ngành và liên trường, các giảng viên Khoa Khoa học Xã hội gồm: PGS.TS Bùi Thanh Hoa; TS. Trần Thị Lan Anh; TS. Nguyễn Thị Ngọc Thúy; ThS. Lò Thị Hồng Nhung và ThS. Điêu Thị Vân Anh đã thực hiện kết nối với các giảng viên Khoa Ngữ văn và Lịch sử của Trường Đại học Đà Lạt để trao đổi ý tưởng nghiên cứu và dự thảo kế hoạch tổ chức các seminar về vùng cao. Buổi tọa đàm diễn ra trong khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt, hướng tới kỉ niệm 40 năm thành lập Khoa Ngữ văn và Lịch sử với sự tham dự đông đủ và nhiệt tình của các bên liên quan.

Ảnh 2. Buổi tọa đàm khoa học về nghiên cứu vùng cao

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Dương Hữu Biên (Trưởng khoa Ngữ văn và Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt) đã trình bày tóm tắt về lịch sử hình thành và phát triển cũng như đặc điểm cơ cấu tổ chức của Khoa Ngữ văn và Lịch sử; giới thiệu các thành viên của Khoa tham gia buổi tọa đàm; định hướng nội dung tọa đàm, thảo luận để thực hiện được mục đích của việc kết nối.

Ảnh 3. Nhóm giảng viên Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc cùng PGS.TS Dương Hữu Biên – Trưởng khoa Ngữ văn và Lịch sử của Trường Đại học Đà Lạt

Phát biểu đáp từ, PGS.TS Bùi Thanh Hoa cung cấp những thông tin khái quát về Trường Đại học Tây Bắc nói chung, Khoa Khoa học Xã hội nói riêng; nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa hai đơn vị về địa lí, về đặc điểm thành phần dân tộc của người học và về những thế mạnh nghiên cứu vùng cao. TS. Trần Thị Lan Anh trình bày định hướng nghiên cứu và những thành tựu của Bộ môn Ngữ văn trong gần 10 năm qua, khẳng định việc tiếp cận các giá trị của vùng cao Tây Bắc trên các phương diện ngôn ngữ, văn học và văn hóa là thế mạnh của các giảng viên Ngữ văn của Trường Đại học Tây Bắc. TS. Nguyễn Thị Ngọc Thúy trình bày khái quát các xu hướng nghiên cứu về hình dung vùng cao trong văn học Việt Nam từ lí thuyết diễn ngôn. ThS. Lò Thị Hồng Nhung báo cáo về các hướng nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, đặc biệt là ngôn ngữ của dân tộc Thái từ đặc điểm cấu tạo, đặc điểm ngữ nghĩa tới các giá trị kiến tạo cộng đồng. ThS. Điêu Thị Vân Anh thông tin chung về Bộ môn Lịch sử của Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc; liệt kê các thành tích nghiên cứu nổi bật của các đồng nghiệp như: 2 giảng viên Lịch sử đã được trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, thực hiện các nghiên cứu sâu về văn hóa và tộc người, đặc biệt là các đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương thời Pháp thuộc.

Ảnh 4. Phần điều khiển thảo luận của TS. Trần Thị Bảo Giang – Phó trưởng khoa Ngữ văn và Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt

Những báo cáo của các giảng viên Trường Đại học Tây Bắc nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của các đồng nghiệp tại Trường Đại học Đà Lạt. Phần trao đổi, thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý tưởng nghiên cứu thú vị được gợi mở. TS. Lê Xuân Hưng (Phó trưởng khoa Ngữ văn và Lịch sử - Trường Đại học Đà Lạt) thông tin về thế mạnh nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học của đội ngũ giảng viên bộ môn Lịch sử đối với vùng cao Tây Nguyên. Các phương pháp và thành tựu nghiên cứu ở lĩnh vực này thật sự là khoảng trống tại vùng Tây Bắc. TS. Võ Thị Thùy Dung (Trưởng bộ môn Văn hóa học – Ngôn ngữ - Báo chí) trao đổi về định hướng nghiên cứu liên ngành của bộ môn, tập trung vào nghiên cứu địa danh vùng cao. TS. Phạm Văn Hóa (Trưởng bộ môn Văn học) trình bày hướng nghiên cứu văn học vùng cao với cách tiếp cận liên ngành, khẳng định văn học dân gian của vùng Tây Nguyên và vùng Tây Bắc có những đặc điểm tương đồng về hệ hình và giá trị, đề xuất những nghiên cứu so sánh. ThS. Nguyễn Thị Hà Giang (Bộ môn Lịch sử) bày tỏ mong muốn được các đồng nghiệp ở Tây Bắc hỗ trợ nghiên cứu về đặc điểm văn hóa của người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc di dân vào Lâm Đồng. ThS. Lê Ngọc Bính (Bộ môn Văn học) chia sẻ những khó khăn trong nghiên cứu sử thi của một số dân tộc ở Tây Nguyên khi không còn nghệ nhân, không gian diễn xướng ngày càng thu hẹp và mai một.

Ảnh 5. Kí biên bản ghi nhớ giữa các giảng viên của hai khoa

Những ý tưởng nghiên cứu về văn hóa, văn học và ngôn ngữ vùng cao được đặt ra, thảo luận sôi nổi, ngày càng phong phú và rõ nét. Tổng kết buổi tọa đàm, PGS.TS Dương Hữu Biên đề nghị các giảng viên Khoa Ngữ văn và Lịch sử - Trường Đại học Đà Lạt cùng các giảng viên Khoa Khoa học Xã hội – Trường Đại học Tây Bắc thảo luận, kí biên bản ghi nhớ để thực hiện 3 nội dung kết nối bao gồm: 1. Thực hiện viết bài báo khoa học cho Tạp chí Khoa học của 2 bên; 2. Tư vấn 2 Trường thực hiện chế độ trao đổi thỉnh giảng của giảng viên; 3. Tổ chức các seminar nghiên cứu vùng cao. Những hoạt động kết nối này sẽ giúp đội ngũ cả hai bên thêm lớn mạnh và đạt được những thành tựu mới.

Ảnh 6. Giảng viên hai khoa tặng quà lưu niệm

Kết thúc buổi tọa đàm, các giảng viên của hai khoa đã kí biên bản ghi nhớ và trao tặng các xuất bản phẩm là thành quả nghiên cứu về vùng cao. Đóa hoa ban trắng của Tây Bắc đã vượt qua hàng ngàn km, hiện diện ở thành phố ngàn hoa như một dấu hiệu khởi đầu đầy hứa hẹn./.

Share for UTB