Rực rỡ cờ hoa tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Ảnh: T.H 

Đảng ta là con nòi của dân tộc Việt Nam, ra đơi vào mùa xuân – mùa tươi đẹp nhất trong năm. Thời điểm Đảng ta ra đời là sự tương đồng ý nghĩa mùa xuân của đất trời và mùa xuân của lòng người, của dân tộc và nhân loại! Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, Bác Hồ đã trích câu thơ của nhà thơ cộng sản Pháp để nêu bật sự tương đồng ý nghĩa tuyệt vời của biểu tượng mùa xuân của tạo hóa và lý tưởng cao đẹp của Đảng cộng sản: “Nhà thơ Pháp, đồng chí Vuyang Cutuyarie viết: Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của loài người”[1].

Từ giữa thế kỷ XIX đến trước mùa xuân 1930, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược và đặt ách nô dịch, thống trị trên đất nước ta, không cam chịu thân phận nô lệ, nhân dân ta đã liên tiếp vùng dậy chống Pháp cứu nước. Các phong trào cứu nước đã diễn ra liên tiếp thông qua nhiều con đường và các khuynh hướng chính trị khác nhau. Từ phong trào cần vương của các sỹ phu đến hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân và con đường cách mạng tư sản, các phong trào này đều tràn đầy lòng yêu nước, đức hy sinh song tất cả đều thất bại. Hơn bảy thập kỷ, lịch sử dân tộc ta diễn ra cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước rất trầm trọng và sâu sắc đúng như Bác Hồ đã khái quát: “ Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”; còn cụ Phan Bội Châu thì diễn đạt bằng cảnh tượng “trời khuya đất ngủ, khói đục mây mù”. Tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước là nhu cầu vô cùng cấp bách của dân tộc ta!

Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (là Bác Hồ muôn vàn kính yêu) đã ra đi tìm con đường cứu nước mới. Gần 20 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài Nguyễn Tất Thành –Nguyễn Ái Quốc đã trải qua những dấu mốc quan trọng sau:

-  Qua khảo sát các nước tư bản phát triển như Pháp, Mỹ, Anh… và một số nước là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, Người hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Người ví chúng như con đỉa hai vòi, một vòi hút máu (bóc lột) nhân dân lao động chính quốc, một vòi áp bức, bóc lột tàn bạo nhân dân các nước thuộc địa. Người đã nhận thức sâu sắc những hạn chế của các cuộc cách mạng tư sản Pháp, cách mạng tư sản Mỹ… là những “cuộc cách mạng không đến nơi”, không giải phóng được công nông và quần chúng lao động.

-   Năm 1919, thay mặt hội những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách 8 điểm đến hội nghị các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất họp ở Vec-xay (Pháp), nhưng Tổng thống 4 nước thắng trận ở hội nghị này trong đó có Tổng thống Mỹ Uyn-xon (Wilson) là tác giả của chương trình 14 điểm về nguyên tắc dân tộc tự quyết, nhưng 4 vị Tổng thống này không ai đếm xỉa đến bản yêu sắc đòi những quyền dân sinh dân chủ tối thiểu của Nguyễn Ái Quốc. Sự kiện này giúp Người hiểu rõ: “Chủ nghĩa Uyn-xon chỉ là một trò bịp lớn”, và muốn được giải phóng các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình.

-   Thắng lợi của cách mạng tháng mười Nga vĩ đại mở ra thời đại mới cho lịch sử loài người. Thời đại cách mạng vô sản, cách mạng giải phóng dân tộc mở ra sự lựa chọn mới cho những người cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội.

-   Tháng 3.1919 quốc tế cộng sản (quốc tế 3) ra đời có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng thế giới. Tháng 7.1920 Nguyễn Ái Quốc đọc sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.Lenin, luận cương đã giải đáp chúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở, tìm hiểu, giúp Người thấy rõ con đường thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng vô sản.

-   Từ năm 1921 -1929, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình đẩy mạnh các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mac-Lenin, lập hội Việt Nam cách mạng thanh niên, mở các lớp huấn luyện cán bộ nòng cốt đưa họ về nước tuyên truyền giác ngộ, tập hợp quần chúng, thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các phong trào yêu nước.

Sau khi thành lập hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6.1925), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã biên soạn và giảng bài tại các lớp huấn luyện chính trị cho các cán bộ nòng cốt. Năm 1927, các bài giảng của Người đã được tập hợp và in thành sách lấy tên: “Đường cách mệnh”. Cuốn sách đã trình bày những vấn đề chủ yếu sau: Mục tiêu, con đường, tính chất của cuộc cách mạng ở Việt Nam; lực lượng của cuộc cách mạng; phương pháp cách mạng; nhiệm vụ đoàn kết quốc tế; để lãnh đạo cách mạng thắng lợi phải có Đảng cách mạng; Đảng vững mạnh phải lấy chủ nghĩa Mac-Lenin làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động.

Những nội dung cơ bản của “Đường cách mệnh” đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình truyền bá, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ nòng cốt của hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ năm 1925 đến 1929, đội ngũ cán bộ và hội viên đã truyền bá sâu rộng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Phong trào cách mạng dâng cao đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của đội tiên phong cách mạng. Những cán bộ tiêu biểu của hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã sớm nắm bắt được nhu cầu lịch sử của giai cấp và dân tộc: 17.6.1929 Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập ở Hà Nội; mùa thu 1929 An Nam cộng sản Đảng ra đời; 1.1.1930 Đông Dương cộng sản liên đoàn ra đời từ trong phái tả của Đảng Tân Việt. Những người cộng sản của ba tổ chức này đã đánh giá về nhau không đúng dẫn đến những hoạt động phân tán và chia rẽ về tổ chức của phong trào. Khắc phục sự phân tán và chia rẽ này là nhiệm vụ cấp bách trước mắt của tất cả những người cộng sản và cũng là đòi hỏi khẩn thiết của cách mạng Việt Nam. Ngày 27/10/1929 quốc tế cộng sản đã gửi chỉ thị cho các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, chỉ thị nêu rõ, ở Đông Dương cần có một Đảng cộng sản duy nhất. Nhận được chỉ thị của quốc tế cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập các đại biểu của Đông Dương cộng sản Đảng; An Nam cộng sản Đảng và đại biểu ngoài nước.

Ngày 3.2.1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng họp ở Cửu Long (Hương Cảng) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với sự tham gia của hai đại biểu Đông Dương cộng sản Đảng, hai đại biểu An Nam cộng sản Đảng và hai đại biểu ngoài nước. Hội nghị nhất trí với đề xuất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam. Hội nghị nhất trí thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và thông qua cương lĩnh – Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đường lối phù hợp với tính chất của thời đại mới được mở ra sau thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga, đáp ứng khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước, đúng như sự đánh giá của nhà tư tưởng, nhà yêu nước Phan Bội Châu: “May thay! Đương giữa lúc khói độc mây mù, thình lình có trận gió xuân thổi tới. Chính giữa lúc trời khuya đất ngủ, thình lình có tia thái dương mọc ra. Trận gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội vậy”[2]. Trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”[3].

Mùa xuân 1930, với sự ra đời của Đảng ta, bằng cương lĩnh, đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh, đường lối hợp quy luật, hợp lòng người nên được toàn dân đồng tình ủng hộ, đi theo Đảng tiến hành “cuộc cách mạng đến nơi” – cuộc cách mạng giải phóng vĩ đại. Từ mùa xuân 1930 – lịch sử dân tộc ta đã lựa chọn Đảng ta là người lãnh đạo, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

91 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, toàn dân ta đoàn kết một lòng, xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc sức mạnh của truyền thống và hiện đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Với sức mạnh vĩ đại này, nhân dân ta đã vượt qua bao hy sinh, gian khổ đạp bằng bao thách thức gay gắt, hiểm nghèo lập nên những thành tựu, chiến công có ý nghĩa lịch sử và thời đại:

-  Tiến hành thắng lợi cách mạng tháng 8 vĩ đại giành lại nền độc lập cho dân tộc, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

-  Tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến thần kỳ đánh thắng hai đế quốc to của thế kỷ XX, mở ra thời kỳ sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

-   Chiến thắng oanh liệt hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước.

-  Qua 35 năm tiến hành công cuộc ĐỔI MỚI, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tư duy lý luận của Đảng ta về đường lối ĐỔI MỚI, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện, 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng từng bước được hiện thực hóa sinh động trên đất nước. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đến năm 2021 Việt Nam trở thành quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu  người và quy mô nền kinh tế 8,40 triệu tỷ đồng (trên 360  tỷ USD), GDP bình quân đầu người trên 3.680 USD/năm, sức mạnh quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường, chủ động xử lý thành công các tình huống không để bị động bất ngờ. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, kiên quyết kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước đồng thời đóng góp tích cực có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác, phát triển của thế giới và khu vực, được cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, quy tín, vị thế của Đảng, nhà nước, thế và lực của đất nước được nâng cao. Với tiềm lực mới, vị thế mới, uy tín mới đã tạo đủ điều kiện, tiền đề cho bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, mở ra cơ đồ tươi sáng cho toàn dân tộc.

Những thắng lợi, những chiến công những kỳ tích của cách mạng Việt Nam trong lịch sử 91 năm qua đã minh chứng hùng hồn chân lý: Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi, mọi chiến công, kỳ tích. Và sự lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam từ mùa xuân 1930 là sự lựa chọn của dân tộc, sự lựa chọn của lịch sử. Lịch sử 91 năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam - sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mac-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, với bản chất cách mạng và khoa học có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và năng lực lãnh đạo đất nước ta vượt qua gian khổ, hy sinh, đạp bằng mọi khó khăn thách thức đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đầu xuân Tân Sửu (2021) đã diễn ra một sự kiện chính trị trọng đại: Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Trên cơ sở của tiềm năng mới, uy tín mới, vị thế mới, nhận thức sâu sắc bối cảnh, cục diện trong nước và thế giới, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, đáp ứng khát vọng của toàn dân, Đại hội XIII đã hình thành đường lối cách mạng Việt Nam trong nhiệm kỳ 2021-2025 và xác định mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030 năm Đảng ta tròn 100 tuổi và mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2045 – Năm nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm! Đường lối tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những quyết sách chủ yếu sau:

- Xác định những mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ khóa XIII, hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên tới:

 + Đến năm 2025: là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

+ Đến năm 2030: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

+ Đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để hiện thực hóa thắng lợi các mục tiêu trên, văn kiện đại hội XIII nhấn mạnh: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt trong nhận thức và hành động thực tiễn các quan điểm chỉ đạo sau:

- Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mac-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Kiên định đường lối đổi mới của Đảng; Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta.

-  Nắm vững và kiên quyết thực hiện chiến lược phát triển tổng thể của nước ta trong thời kỳ phát triển mới là: Đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chiến lược trong đó: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

- Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại. Phát huy tối đa nội lực tranh thủ ngoại lực, trong đó có nguồn lực nội sinh nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

- Nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Giây phút giao hòa giữa năm Tân Sửu và Nhâm Dần đã đến, Gió xuân cùng hương xuân, sắc xuân đang lan tỏa khắp đất trời. Trong giờ phút linh thiêng này nhân dân cả nước ta đang náo nức mừng xuân mới, mừng Đảng quang vinh kỷ niệm 92 năm ngày thành lập! Mừng xuân Nhâm Dần, mừng Đảng quang vinh - Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của Dân tộc Việt Nam tròn 92 mùa xuân:

“ Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng

Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi

Đảng đã đem về mùa xuân cho nước non

Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời.”[4]

Mùa xuân mới, tiết xuân khơi dậy sức sống mãnh liệt cho muôn loài. Đảng ta bước vào mùa xuân mới trong lịch sử 92 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, một Đảng được tôi luyện và trưởng thành trong muôn vàn thách thức gian lao và ngày nay vẫn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và tự chỉnh đốn mình để luôn là một Đảng của trí tuệ, Đảng của đạo đức và gắn bó máu thịt với nhân dân và luôn xứng đáng với sứ mệnh lãnh đạo nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh dân chủ công bằng văn minh, một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc – mua xuân tươi đẹp nhất của dân tộc ta!


[1] Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội 2011. Tập 13. Trang 89

[2] Phan Bội Châu toàn tập. NXB Thuận Hóa. Tập 4. Trang 132

[3] Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội 2011. Tập 12. Trang 401

[4] Lời trong ca khúc: Đảng đã cho ta một mùa xuân của Nhạc sỹ Phạm Tuyên