In bài này
Lê Thị Thu Hòa
Chuyên mục: Tin tức

Khi nhắc đến miền núi, chúng ta thường liên tưởng đến những vùng hiểm trở, cảnh quan hùng vĩ với cộng đồng dân cư độc đáo, nhưng vai trò của miền núi còn toàn diện và sâu sắc hơn thế. Miền núi cũng chứa đựng một hệ thống nghiên cứu hấp dẫn cho các nhà khoa học. Nhân kỉ niệm ngày công nghệ Việt Nam, tác giả sẽ trình bày vai trò của miền núi và giải thích vì sao các nghiên cứu về núi lại được cộng đồng khoa học quốc tế rất ưu tiên và quan tâm. Hi vọng rằng bài viết sẽ tiếp thêm động lực cho các nhà khoa học có thêm niềm tin cũng như tăng cường hợp tác liên ngành để công bố các vấn đề của địa phương.

Trong những năm qua, cộng đồng khoa học rất quan tâm nghiên cứu miền núi. Hội đồng khoa học quốc tế (ISC) đã đưa ra chương trình nghiên cứu chiến lược trái đất trong tương lai, trong đó các chiến lược nghiên cứu về miền núi đặc biệt quan tâm [1]. Từ năm 2010 cho đến nay, các nhà khoa học đã tổ chức một hội nghị thường niên tại Scotland đề hướng đến sự hiểu biết về hệ thống núi trên toàn trái đất (Hội nghị Perth); Mạng lưới nghiên cứu và quan sát môi trường núi toàn cầu (GEO Mountain) cũng được thành lập với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học [2]. Các công bố dịch vụ hệ sinh thái miền núi trong những năm qua cũng tăng theo cấp số nhân [3]. Trọng tâm nghiên cứu và bảo vệ giá trị của các vùng núi trên thế giới trong đó có hệ thông núi của Đông Nam Á và Việt Nam đã được các tổ chức và diễn đàn quốc tế quan tâm. Bảo vệ, phát triển bền vững các vùng núi đã được đưa vào các nghị sự quốc tế và kế hoạch hành động. Nghiên cứu núi là một chương chính trong chương trình nghị sự 21 của Liên Hợp quốc 1992 và là 2 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong chương trình nghị sự 2030 [4], [5].

Theo thống kê, núi là nơi sinh sống 1/10 dân số thế giới, chiếm 1/5 diện tích đất liền và xuất hiện ở tất cả các vĩ độ [6]. Mặc dù có độ dốc lớn, địa hình phân hóa đa dạng nhưng miền núi cung cấp nhiều giá trị cho cộng đồng dân cư và xã hội loài người, kể cả các cộng đồng không cư trú ở miền núi. Ví dụ, hơn một nửa nhân loại phụ thuộc vào nguồn nước ngọt được khai thác, được lưu trữ và thanh lọc ở các vùng núi; từ quan điểm sinh thái, các vùng núi là điểm nóng về đa dạng sinh học, lưu trữ các nguồn gen quý hiếm; và từ quan điểm xã hội, núi có ý nghĩa toàn cầu như là điểm đến chính cho các hoạt động du lịch và giải trí, là nơi có cộng đồng dân cư đa dạng về dân tộc, có nhiều nét văn hóa độc đáo và tri thức bản địa quý giá. Việc đánh giá, định lượng các giá trị của miền núi để phát triển và bảo tồn trở thành chủ để rất được quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Mặt khác, núi và hệ sinh thái núi cũng rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và tai biến thiên nhiên. Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế về văn hóa, kinh nghiệm sản xuất nhưng về cơ bản cộng đồng dân cư miền núi nhất là phụ nữ và trẻ em vẫn còn yếu thế, trình độ hiểu biết và tiếp cận khoa học còn hạn chế. Áp lực của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế (chủ yếu là nông nghiệp và du lịch) không bền vững đang ngày một căng thẳng đối với hệ thống núi ở Việt Nam và toàn thế giới. Việc bảo vệ nguồn lợi của núi gắn với việc giải quyết tốt các vấn đề bất cập nảy sinh ở miền núi đã trở thành các vấn đề nghiên cứu quan trọng của các nhà khoa học trên thế giới. Các vấn đề nghiên cứu cụ thể gồm: tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái núi; phát triển và bảo vệ sinh kế cho người dân; nông nghiệp và du lịch thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; các kinh nghiệm truyền thống, sinh kế và tri thức bản địa... Với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững, các nhà khoa học đã cung cấp bằng chứng vững chắc cho việc hoạch định chính sách và ra quyết định ở các cấp quản lý khác nhau. Họ đã đóng góp kiến thức hữu ích để giải quyết các thách thức xã hội toàn cầu ngày nay, tăng cường công bằng và hướng tới một tương lai đáng mơ ước hơn.

Ảnh 1: Tầm quan trọng của cảnh quan và hệ sinh thái núi với hạ lưu (Nguồn: Ingalls M.L, 2020) [6]

Việt Nam là một đất nước có 2/3 diện tích là đồi núi, trong đó Tây Bắc (địa phận của 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) là vùng núi cao và đồ sộ nhất với phổ đai cao và sinh vật đầy đủ nhất Việt Nam [7]. Hệ sinh thái của Tây Bắc có vai trò đặc biệt trong điều tiết nước của sông Đà và Sông Mã. Với 1 vườn quốc gia và 12 khu bảo tồn thiên nhiên, đây cũng được coi là vùng có tài nguyên sinh vật đa dạng nhất với nhiều loài quý hiếm, đặc hữu[8]. Về mặt văn hóa, diện tích tự nhiên của vùng chiếm 11,3% diện tích của cả nước nhưng dân cư rất thưa thớt (chỉ chiếm 3,28% dân số của cả nước). Tây Bắc là địa bàn cư trú và cung cấp sinh kế cho 14 dân tộc thiểu số khác nhau. Cộng đồng này chứa đựng một hệ thống các di tích lịch sử và di sản văn hóa, nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, kinh nghiệm sản xuất, tri thức bản địa đặc sắc. Tuy nhiên, đa phần trong đó là cộng đồng nghèo và dễ tổn thương hơn so với các cộng đồng dân cư khác.

Sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quý giá về tự nhiên, nhân văn nhưng các nghiên cứu về miền núi của Việt Nam và Tây Bắc còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân căn bản là do Việt Nam đã trải qua một thời gian dài chiến tranh, các nhà khoa học Việt Nam (dù có trình độ nghiên cứu khoa học giỏi) nhưng chủ yếu học tập và nghiên cứu bằng tiếng Nga, quá trình công bố bằng tiếng Anh với cộng đồng quốc tế bị hạn chế. Xem xét các nguồn nghiên cứu uy tín (Web of Science, ScienceDirect, Web of Knowledge) cho thấy: các nghiên cứu của Việt Nam thực sự xuất hiện từ năm 2000 đến nay, điển hình có các nghiên cứu về du lịch dựa vào thiên nhiên ở các miền núi, chuyển đổi đất nông nghiệp và canh tác bền vững ở miền núi Việt Nam của Nguyễn An Thịnh và Bùi Thị thu Hương [9], [10]. Các nghiên cứu này là những công bố khởi đầu kết nối với cộng đồng khoa học thế giới. Chủ đề về vùng núi Tây Bắc Việt Nam gần như chưa thấy xuất hiện, nếu có chỉ là những tích hợp nhỏ trong các ấn phẩm của các tổ chức như FAO, UNWTO.

Với các luận cứ trên có thể khẳng định: miền núi nói chung và miền núi Tây Bắc Việt Nam nói riêng là không gian cung cấp nhiều chủ đề nghiên cứu hấp dẫn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các nhà khoa học - nhất là các nhà khoa học cư trú và hiểu biết sâu sắc địa phương cần tiên phong đưa ra các sáng kiến, góp phần giúp miền núi phát triển bền vững. Để vừa có hiệu quả thực tiễn, vừa mang tính xã hội cao, các nghiên cứu cần có các thông số định lượng chính xác và sự hợp tác liên ngành./.

Tài liệu tham khảo

  1. E. H. Gleeson et al., “Mountains of Our Future Earth: Defining Priorities for Mountain Research - A Synthesis From the 2015 Perth III Conference,” mred, vol. 36, no. 4, pp. 537–548, Nov. 2016.
  2. D. Payne, E. M. Spehn, M. Snethlage, and M. Fischer, “Opportunities for research on mountain biodiversity under global change,” Current Opinion in Environmental Sustainability, vol. 29, pp. 40–47, Dec. 2017. doi: 10.1016/j.cosust.2017.11.001.
  3. A. Gret-Regamey, S. H. Brunner, and F. Kienast, “Mountain Ecosystem Services: Who Cares?,” mred, vol. 32, no. S1, Mar. 2012.
  4. Agenda 21 Sustainable Development Knowledge Platform.” https://sustainabledevelopment.un.org/outcomedocuments/agenda21 (accessed May 12, 2023).
  5. “Transforming our world: the 2030 Agenda for Sustainable Development | Department of Economic and Social Affairs.” https://sdgs.un.org/2030agenda (accessed May 13, 2023).
  6. M. L. Ingalls, “Mountain Agriculture: Opportunities for Harnessing Zero Hunger in Asia. Edited by Li Xuan, Mahmoud El Solh, and Kadambot HM Siddique,” Mountain Research and Development, vol. 40, no. 4, p. M2, 2020.
  7. Chính Nguyễn Đức - Vũ Tự Lập, Địa lý tự nhiên Việt Nam. NXB Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội, 1970.
  8. Vũ Đức Toàn, “Thực Trạng quản lý rừng Tây Bắc Việt Nam,” Kỉ yếu hội thảo quốc gia quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam, 2020.
  9. H. T. Bui, L. H. Pham, and T. E. Jones, “Governance and Management of Protected Areas in Vietnam: Nature-Based Tourism in Mountain Areas,” in Nature-Based Tourism in Asia’s Mountainous Protected Areas: A Trans-regional Review of Peaks and Parks, T. E. Jones, H. T. Bui, and M. Apollo, Eds., in Địa lý du lịch và thay đổi toàn cầu. Cham: Springer International Publishing, 2021.
  10. N. A. Thinh and N. P. Quan, “Agriculture Land Conversion and its Implications for Food Requirements and Farming in Vietnamese Northern Mountains,” in Global Changes and Sustainable Development in Asian Emerging Market Economies Vol. 2: Proceedings of EDESUS 2019, A. T. Nguyen and L. Hens, Eds., Cham: Springer International Publishing, 2022.
Share for UTB